Tây Ninh: Chuyện mưu sinh dưới những ánh đèn
Tây Ninh: Xây dựng nông thôn mới - phát huy hiệu quả thiết thực Tây Ninh: Nông dân ấp Vịnh tất bật trồng hoa tết |
Chị Ngọc luôn vui vì có việc làm nuôi con.
Tại khuôn viên trước trung tâm thương mại Vincom Tây Ninh, đã gần 18 giờ nhưng mẹ con chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (ngụ xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) vẫn treo những món đồ chơi sặc sỡ lên giá. Chị Ngọc cho biết: “Việc bán buôn cũng thất thường, hôm được hôm không. Cuộc sống “gạo chợ nước sông” nên được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi”.
Công việc của chị Ngọc mỗi ngày là bán vé số buổi sáng, trưa bán kẹo bông gòn, tối lại lỉnh kỉnh chở đồ chơi đến bán tại khu vực trước trung tâm thương mại Vincom. Có hôm, phải hơn 22 giờ mẹ con chị mới về tới nhà. Những ngày này, khí trời se lạnh, không khí lễ Giáng sinh ngập tràn, có hôm bán được hàng thì tận đến khi đèn trên cây thông trước trung tâm thương mại Vincom không còn sáng mẹ con chị mới thu đồ trở về.
Hơn chục năm bán hàng rong, chị chỉ nhớ theo mùa. Mùa Noel thì bám trụ tại Vincom, sau đó dời qua chợ hoa xuân khi tết đến, mùa hè lại đến các cánh đồng có người thả diều, có khi đến tận cầu K13. Những ngày bình thường thì di chuyển quanh những con phố đông người ăn uống, có trẻ con như Lê Duẩn hay ven bờ kè rạch Tây Ninh, các khu vui chơi, hội chợ quanh thành phố và các vùng lân cận. Cứ như vậy qua nhiều năm.
Hơn 10 năm trước, chị Ngọc cùng chồng làm công nhân trong nhà máy. Nhưng làm ở trong xưởng không có thời gian chăm lo con cái, chị phải nghỉ việc tìm đường buôn bán để có thời gian chăm con. Được người quen hướng dẫn, chị bán đồ chơi trẻ em, kẹo bông gòn, vé số. Những buổi tối các con chị Ngọc cũng theo mẹ xuống phố bán hàng; mùa ôn thi thì các cháu ở nhà học bài.
Theo chị Ngọc, năm nay buôn bán khó khăn hơn do nhiều người thắt chặt chi tiêu. Chị cũng vậy, phải gói ghém, kiên nhẫn với công việc của mình. Chị chia sẻ: “Buôn bán không tốt, chi tiêu gia đình phải tiết kiệm, nên tôi ráng làm nhiều nghề, miễn sao có đủ tiền chi tiêu gia đình, lo cho các con”. Vì vậy, với “lịch trình” làm việc gần như chật kín từ sáng cho đến tận khuya nhưng chị vẫn không tiếng than van. Vẫn vui vẻ, chị cho biết: “Đó là cuộc sống của mình, đôi khi mệt nhưng nghĩ đến con lại thôi. Mình lười biếng thì con mình đói”.
Bà Tuyết bên xe bán hàng của mình.
Chị thích bán và nhìn ngắm không khí đường phố rực rỡ và rộn ràng mỗi khi đêm về. Mùa này, không khí Giáng sinh tràn ngập, cây thông này lại rực rỡ, người đến cũng đông hơn. Đó là lý do chị luôn trông chờ mỗi mùa Noel đến. Chị chia sẻ: “Hằng năm, tôi đều trông để bán vào dịp này vừa cảm nhận không khí Noel vui tươi, mình vừa bán được nhiều tiền lo cho con”. Nhiều năm bám trụ khu vực này, chị Ngọc quen mặt với nhiều người. Đó là những người khách quen, những người bán hàng chung. Những cuộc gặp gỡ, hỏi han nhau cũng thấy vui và ấm lòng trong tiết trời se lạnh mỗi dịp cuối năm.
Cách đó không xa là xe hàng đồ chơi của con gái lớn chị Ngọc. Em Mỹ Tiên đã có vài năm theo mẹ “khởi nghiệp”. Cô gái 17 tuổi không nhiều ước mong, chỉ mong mỗi đêm bán được nhiều hàng để phụ giúp mẹ lo cho các em. Nhìn những ánh đèn rực rỡ, Mỹ Tiên thấy vui, thỉnh thoảng em chụp vài bức ảnh đẹp để làm kỷ niệm.
Mỹ Tiên chia sẻ: “Mấy năm nay, con phụ mẹ làm việc, dư thì không có nhưng cũng đủ chi phí cho gia đình, vậy là vui rồi”. Mỗi ngày, công việc của cô gái trẻ cũng như mẹ mình, ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm và trở về nhà tối muộn.
Chung cảnh mưu sinh buổi đêm tại khu vực này còn có bà Nguyễn Thị Tuyết, 67 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh. Tầm 5 giờ, bà Tuyết lại một mình đẩy chiếc xe đầy ắp các loại nước ngọt đến bán. Đây là công việc đã theo bà Tuyết hàng chục năm qua. Mỗi ngày, buổi sáng bà đẩy xe vài nơi để bán, buổi tối bà lại về khu vực này để vừa bán vừa có thêm niềm vui.
Khoảng 1 tháng nay, trời ngưng mưa, việc buôn bán của bà thuận lợi hơn khi không phải thường xuyên chạy trú mưa với cái xe nước vài chục ký. Bà sống một mình, tự làm nuôi thân, mỗi tối khi cây thông hạ đèn bà cũng là lúc bà trở về nhà nghỉ ngơi. Bà nói: “Tôi thích bán buổi đêm vì không khí mát mẻ. Nhìn mọi thứ thấy đẹp và vui hơn”. Theo bà, dù việc bán buôn chỉ đủ nuôi thân, không dư dả gì nhưng nó là niềm vui nên chỉ những ngày bệnh không đi nổi bà mới nghỉ.
Dọc xuống phố Gia Long, phường 2, thành phố Tây Ninh nơi khi đêm về luôn sáng đèn với những hàng ăn đêm đông đúc. Tại đây, hai người bạn hàng xóm là bà Nguyễn Thị Quỳnh (69 tuổi) và bà Lê Thị Chánh (66 tuổi) từ Hoà Hội, huyện Châu Thành mỗi đêm lặng lẽ mưu sinh với những tờ vé số.
Mỗi chiều, hai bà cùng đạp xe đến thành phố Tây Ninh lấy vé số rồi bán tới hơn 21 giờ mới trở về. “Mỗi ngày, chúng tôi bán được hơn 100 tờ vé số, kiếm được ít tiền lãi chi tiêu cho gia đình”- bà Quỳnh nói.
Bà Quỳnh (giữa) và bà Chánh ngồi nghỉ tạm bên đường.
Hoàn cảnh đơn chiếc, bà Quỳnh phải làm việc lo cho cháu ngoại và chồng. Số tiền ít ỏi cũng không thấm là bao, gia đình bà sống dựa vào những tấm lòng hảo tâm. Bà chia sẻ, nếu mình có việc làm, kiếm được tiền vẫn thấy an tâm hơn. Việc này, bà Quỳnh đã duy trì hơn 1 năm nay. Đi bán sau bà Quỳnh, bà Chánh cho biết do hoàn cảnh gia đình nên bà đi bán vé số hơn nửa năm nay. Trước đây, bà Chánh đi làm thuê mỗi ngày kiếm được 200 ngàn đồng, nhưng nay do tuổi cao, bà không làm thuê nữa.
Bà Chánh chia sẻ: “Dù số tiền bán vé số kiếm được ít hơn nhưng phù hợp sức mình, buổi tối mát mẻ, dễ chịu hơn đi làm thuê ban ngày. Nếu hôm nào tối bị ế vé thì sáng hôm sau ra chợ Hoà Bình bán tiếp nên tôi cũng không lo gì”.
Ở quê lên, không rành đường phố nên hai bà chỉ quanh quẩn bán vé số ở vài tuyến phố khu vực cầu Quan.
Tuổi cao, những bước chân cũng chậm chạp hơn, thỉnh thoảng các bà phải ngồi nghỉ tạm bên vệ đường. Đó là lúc chuyện nhà, chuyện học của các cháu lại được các bà cùng nhau sẻ chia. Bà Quỳnh nói, hơn một năm qua bán vé số tại đây bà có nhiều chuyện vui, buồn. Đó là sự nhiệt tình của những người lạ, có người nhiều lần giúp bà bán hết vé số mà không nhận công. Hay có lần bà phải ngồi thẫn thờ vì bị lừa mất vài chục tờ vé số.
Đó là số ít trong rất đông người đang miệt mài mưu sinh buổi đêm nơi thành phố này. Mỗi ngày, những cuộc mưu sinh trên phố chỉ khép lại khi những ánh đèn nơi công cộng dần tắt.
Nguồn: Chuyện mưu sinh dưới những ánh đèn