Tây Ninh: Công tác giải phóng mặt bằng: Nhiều khó khăn khi triển khai
Tây Ninh: Nâng tầm “Chợ lá” Tây Ninh có 6 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 |
Các nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đường 794 (giai đoạn 2).
Thời gian qua, tỉnh và các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng luôn rất khó khăn, bởi trách nhiệm của chính quyền là làm sao để người dân đồng thuận, bảo đảm quyền lợi thiết thực cho người dân.
Khó khăn trong việc xác định thông tin đất do “lịch sử để lại”
Có thể kể ra một số công trình chậm tiến độ không thể hoàn thành theo kế hoạch trong thời gian qua như: dự án đường ĐT.782-784, đường Đất Sét - Bến Củi, ĐT.794 (giai đoạn 2)... Nguyên nhân do giá tăng, nhất là giá xăng dầu, vật tư (nhựa đường, đất san lấp) tăng mạnh và nguồn cung ứng rất hạn chế, vì vậy nhà thầu thi công gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng công trình. Mặt khác, do khối lượng công việc lớn, nhân sự Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện ít, một số hộ chưa đồng ý bàn giao.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh ban hành Quyết định 2518/QĐ-UBND ngày 29.11.2019 quy định trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự nhất quán về cách hiểu, cách làm và tạo nhiều thuận lợi triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, áp dụng thực tế vẫn còn những vướng mắc như trích lục thửa đất do văn phòng đăng ký đất đai cung cấp không bảo đảm đúng, đủ thông tin để ban hành thông báo thu hồi đất (không có tên chủ sử dụng đất hoặc có nhưng không chính xác; địa chỉ thường trú chưa đầy đủ...).
Từ đó, dẫn đến các thông báo thu hồi đất được ban hành chưa bảo đảm việc giao nhận đến chủ sử dụng đất, thậm chí có trường hợp dù phối hợp chính quyền cơ sở nhưng không tìm được địa chỉ, thông tin liên lạc với chủ sử dụng đất bị thu hồi.
Đơn cử, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu, dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, kết quả kiểm đếm so với số thửa đất được trích lục chênh lệch nhau. Trích lục thửa đất được cung cấp là 394 thửa; kết quả kiểm đếm là 567 thửa (chênh lệch 173 thửa).
Việc phát sinh tăng 173 thửa thực tế được xác định là do cơ sở dữ liệu đất đai chưa được cập nhật; số hoá kịp thời; có 29/173 thửa đất thực tế đến nay chưa tìm được thông tin chủ sử dụng đất trong cơ sở dữ liệu đất đai huyện, xã nên UBND cấp xã cũng chưa có xác nhận.
Bên cạnh đó, gần 70% trích lục thửa đất không bảo đảm thông tin chủ sử dụng đất đã ban hành (họ và tên có thiếu sót; địa chỉ thường trú chưa đầy đủ; nhiều trường hợp tách thửa chuyển quyền nhiều năm nhưng chưa cập nhật biến động)...
Chỉ những vướng mắc về xác định thông tin thửa đất, sự chênh lệch và phát sinh về thửa đất kiểm kê trên thực tế, dù do yếu tố “lịch sử để lại”, nhưng bấy nhiêu đó, các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương phải xác định lại cho chính xác để triển khai thực hiện thông báo thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng cần phải có thời gian...
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề vướng mắc khác rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ngành liên quan, chính quyền địa phương mới có thể chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án khi triển khai có mặt bằng thi công thuận lợi, hoàn thành tiến độ theo dự kiến.
Một chủ đầu tư dự án giao thông cho biết, những khó khăn như vấn đề xác định diện tích đất, loại đất, vật kiến trúc hoa màu, giải quyết khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất, giá cả đền bù... đã là công việc có khối lượng vô cùng lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương các cấp.
Một vấn đề khác cũng cần được chính quyền các địa phương quan tâm hơn là công tác bố trí tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng trắng do công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số địa phương chưa chủ động trong công tác này nên nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Dự án đường 784 chậm hoàn thành theo kế hoạch, nhà thầu phải thi công vào cả ban đêm.
Nhiều bất lợi khi thiếu mặt bằng thi công
Hiếm có dự án giao thông nào khi triển khai mà có mặt bằng thuận lợi để chủ đầu tư và các nhà thầu thuận lợi thi công. Công trình không có mặt bằng dẫn đến việc thi công bị kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch dự kiến, cả chủ đầu tư, nhà thầu và người dân nơi dự án triển khai đều bị thiệt hại.
Thời gian thi công kéo dài, nhà thầu bị ảnh hưởng do máy móc phương tiện không thể vận hành liên tục, giá cả vật tư biến động cao so với giá dự thầu. Có nhiều dự án đã hoàn thành khối lượng thi công rất nhiều nhưng chỉ vướng một đoạn ngắn về mặt bằng thi công nên không thể tiếp tục triển khai. Nhà thầu và chủ đầu tư không thể hoàn tất các thủ tục kết thúc dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đơn cử như gần đây, dự án đường 795 dù đã hoàn thành khối lượng nhiều đoạn nhưng chỉ còn một đoạn khoảng gần 1km (cua Cây Cầy) nằm trên địa bàn xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vẫn đang trong quá trình triển khai và chưa biết thời gian nào nhà thầu mới có mặt bằng.
Dự án đường 794 (giai đoạn 2) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhìn chung cả tuyến đường, các nhà thầu đều có mặt bằng thi công nhưng chỉ riêng tại khu vực vừa qua cầu Bổ Túc là chưa có mặt bằng do công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù chưa dứt điểm và đang trong quá trình giải quyết.
Nếu đoạn đường này vẫn phải chờ giải phóng mặt bằng, dự án không thể hoàn thành theo đúng thời gian dự kiến của kế hoạch và phải xin gia hạn. Đây là một thiệt thòi cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
Điều này cũng từng xảy ra với dự án đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), cụ thể, tại đường dẫn vào cầu K8 mới. Đến thời điểm hiện tại, việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng đã xong để thi công. Nhưng nhìn lại tổng quan, cả dự án này đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư cũng không thể thực hiện kết thúc dự án do vướng một đoạn ngắn về công tác giải phóng mặt bằng.
Riêng người dân tại các vị trí chưa giải phóng mặt bằng triệt để cũng phải chịu thiệt thòi do công trình đang thi công ảnh hưởng đến mỹ quan tuyến đường, việc kinh doanh mua bán...
Có ý kiến cho rằng, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án giao thông nói chung hay các dự án khác cần sự chủ động hơn của các ngành chức năng, chính quyền địa phương.
Bởi lẽ, làm sao để bảo đảm quyền lợi chính đáng, phù hợp theo quy định pháp luật cho những hộ dân bị ảnh hưởng, đòi hỏi sự nỗ lực của các hệ thống chính trị. Tích cực hơn trong công tác tuyên truyền vận động để người dân nhận thấy những lợi ích do các dự án mang lại. Tạo sự đồng thuận cao của người dân khi bị thu hồi đất, hạn chế khiếu nại là một nhiệm vụ không chỉ riêng của một cơ quan hay một ngành, địa phương nào.
Nguồn: Nhiều khó khăn khi triển khai