Tây Ninh: Để tinh bột khoai mì vươn xa
Tây Ninh: Khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng Hoà Thành ngày càng phát triển Tây Ninh: Giúp hội viên nông dân “an cư lạc nghiệp” và phát triển kinh tế |
Nông dân xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu thu hoạch khoai mì.
Thương lai “ép” nông dân – nhà máy “ép” thương lái ?
Tại khu vực trồng nguyên liệu khoai mì trên địa bàn hai xã Phước Ninh và Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, dạo một vòng qua các tuyến đường chính, đã có ít nhất 10 điểm thu mua khoai mì thô quy mô lớn của các thương lái, xe cộ ra vào tấp nập.
Theo một vài nông dân, năm nay do chọn giống mì có khả năng kháng bệnh và năng suất cao nên sản lượng mỗi héc-ta mì khoảng 30-40 tấn, giá thu mua tại nhà máy dao động từ 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại ruộng cũng khoảng 3.000 đồng/kg. Trừ chi phí chăm sóc, người trồng mì lãi khá cao.
Tuy nhiên, thực tế, chỉ có thương lái là thắng lớn, không phải nông dân nào cũng được hưởng lợi vì phần lớn, mì chưa lớn, nông dân đã “bán mão” cho thương lái. Không ít nông dân không bán mì non, nhưng đến khi thu hoạch, vẫn phải bán cho thương lái vì họ có nhân công thu hoạch, phương tiện vận chuyển.
Vấn đề bất cập “muôn thuở” là việc đánh giá tạp chất khoai mì chủ yếu bằng mắt thường nên nhiều nông dân không hài lòng, cho rằng mình bị thương lái “ép” trong việc trừ tạp chất. Nhưng nếu không bán cho thương lái, nông dân biết bán cho ai vì ít có nhà máy nào quan tâm đế việc cử nhân viên trực tiếp đến ruộng thu mua.
Đó là ý kiến người trồng. Còn thương lái P.T.T cho rằng, việc đánh giá tạp chất tuỳ thuộc vào… “ông trời”. Ngày nắng, khoai mì thu hoạch không dính bùn đất nhiều, trừ tạp chất thấp; ngày mưa, bùn đất nhiều, thương lái buộc phải trừ tạp chất cao. Hơn nữa, trước đây thu hoạch, chỉ lấy khoai còn hiện nay lấy luôn cùi bụi nên luôn có tạp chất.
Một thương lái khác ước tính, một héc-ta khoai mì nếu thu hoạch vào ngày nắng có sản lượng khoảng 40 tấn. Nhưng chỉ cần một đêm mưa, hôm sau thu hoạch khối lượng cân có thể lên 47 tấn, do dính nhiều bùn đất.
Xe từ điểm tập kết mì của thương lái vận chuyển khoai mì đến nhà máy bán.
Do nguồn cung thiếu hụt, các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đang cạnh tranh quyết liệt để tìm nguồn nguyên liệu. Đại diện một doanh nghiệp chế biến trên địa bàn huyện Dương Minh Châu cho biết, bây giờ làm gì có chuyện nhà máy “ép” thương lái qua việc trừ tạp chất vì nhiều năm qua “cung thiếu, cầu cao”, nhà máy nào trừ tạp chất cao, thương lái bán cho nhà máy khác. Vì vậy, hầu hết nhà máy đều phải “nhún nhường” trước thương lái để có nguyên liệu.
Một chủ doanh nghiệp than, nói ra thì ít ai tin, “người trong nghề” đều hiểu nỗi khổ của việc khoai mì dính bùn đất nhiều. Cứ sau mỗi vụ chế biến, nhà máy phải tìm người mua số đất lắng xuống hầm chứa để nạo vét. Nhà máy sản xuất chế biến tinh bột của doanh nghiệp quy mô tầm trung nhưng sau mỗi vụ chế biến, trung bình bán được khoảng… 100 xe đất.
Cần “cái bắt tay” giữa nông dân và nhà máy
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay công suất chế biến của các nhà máy chế biến tinh bột mì gấp 3 - 4 lần so với khối lượng khoai mì trồng trên địa bàn tỉnh. Do cầu cao hơn cung, trước mắt và lâu dài, nông dân bớt lo chuyện được mùa, mất giá, các nhà máy chế biến trong tỉnh cạnh tranh, giá thu mua thường là cao hơn các tỉnh, thành khác.
Chủ trương của tỉnh là giữ ổn định diện tích trồng khoai mì khoảng 60 ngàn héc-ta, hiện đang có những vùng chuyên canh khá hiệu quả tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên và Tân Châu. Dù cây mì được cho là loài cây “bóc lột” đất, tuy nhiên hiện nay người dân cũng đã biết cách bồi bổ lại cho đất như bổ sung thêm chất hữu cơ làm cho đất duy trì độ màu mỡ sau nhiều năm canh tác; địa hình Tây Ninh tương đối bằng phẳng nên đất ít bị xói mòn.
Tuy nhiên, cần có giải pháp tăng năng suất và chất lượng, giảm giá thành canh tác nhằm tăng lợi nhuận trên 1 ha cây mì qua việc lựa chọn giống, cơ giới hoá để giảm chi phí nhân công… tiến tới canh tác mì hữu cơ, mì đạt chuẩn VietGAP.
Nguyên liệu khoai mì tại một nhà máy.
Về vấn đề đánh giá tạp chất, theo ông Nguyễn Đình Xuân, cũng đã có tình trạng một số người làm ăn gian dối cho thêm bùn đất vào khoai mì thu hoạch để tăng khối lượng. Đây là hành vi gian lận, có thể bị xử phạt. Đối với nhà máy, chi phí sản xuất tăng cao khi nguyên liệu nhiều tạp chất, trong quá trình chế biến phải tốn thêm chi phí để loại tạp chất ra, chi phí chở tạp chất đi nơi khác…
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT, đối với những thị trường khó tính, họ chỉ mua những sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chế biến đúng theo quy trình. Việc nhà máy không “bắt tay” với nông dân mà thu mua nguyên liệu qua trung gian thương lái, không nắm được nguồn gốc xuất xứ của khoai mì khi đưa vào chế biến, sẽ gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu.
Do đó trong thời gian tới, để ngành khoai mì vươn xa, các nhà máy cần phải liên kết chặt với nông dân thông qua việc đặt hàng, đầu tư, thu mua của nông dân và có cam kết đưa ra tiêu chuẩn như người canh tác cây mì phải theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Khi nông dân canh tác mì theo hướng chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn, giá bán sẽ cao hơn; nhà máy cũng bảo đảm tính pháp lý cho tinh bột về tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
Khoai mì đưa vào hệ thống rửa, nước rửa chảy ra bên ngoài mang khá nhiều bùn đất.
Đối với nhà máy chế biến, muốn tăng giá trị sản phẩm phải chế biến những sản phẩm sau tinh bột như bột biến tính, mạch nha… Tuy nhiên, để triển khai thực hiện cần có quy trình sản xuất khác, dây chuyền khác rất tốn kém nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10% trên tổng số nhà máy chế biến đã đầu tư sản xuất sản phẩm sau tinh bột. Đó là một xu hướng tất yếu.
Nguồn: Để tinh bột khoai mì vươn xa