Tây Ninh: Di sản văn hoá dân gian bản sắc và tiềm năng du lịch
Tây Ninh: Vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả Tây Ninh: Trở lại Phước Chỉ |
Múa trống Chhay dăm và biểu diễn múa Khmer kết hợp độc đáo.
Nghệ thuật đờn ca tài tử có từ hàng trăm năm qua đã thấm sâu vào đời sống của người dân vùng đất Nam bộ. Điều khiến đờn ca tài tử lưu danh chính là sự bình dị, tao nhã và gần gũi. Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu kết hợp với nhau tạo nên âm thanh tứ tuyệt không thể lẫn lộn vào đâu. Loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng này được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Dịp lễ 30.4 vừa qua, Bảo tàng Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hoá tỉnh và Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh tổ chức triển lãm, trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, múa trống Chhay dăm và múa dân tộc Khmer ngay trên đỉnh núi.
Nói đến múa trống Chhay dăm, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của lễ Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, Sen Dolta, cúng, đón rước thần linh hay trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng của bà con Khmer. Riêng điệu múa trống Chhay dăm ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành lại mang một bản sắc riêng biệt và nâng lên tầm cao hơn khi được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào tháng 12.2014.
Theo các tài liệu nghiên cứu, nghệ thuật múa trống Chhay dăm là hình thức trình diễn dân gian, hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian mà các tác phẩm không có tác giả (khuyết danh), không có bản phổ ký âm nhưng điệu múa vẫn được người dân lưu truyền. Ngày nay, múa trống Chhay dăm được biểu diễn tại các nhà văn hoá dân tộc, trong các lễ hội của dân tộc Khmer, Hội yến Diên Trì cung của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, trong các liên hoan, hội thi, hội diễn.
Các điệu múa trên nền nhạc ngũ âm của người Khmer tạo nên nét độc đáo rất riêng biệt.
Từ nhỏ, Cao Văn Tha Ni đã tập luyện trống Chhay dăm. “Ban đầu tập nản lắm vì phải tập đánh trống bằng gối, chỏ, rồi lăn lộn múa trống sưng hết tay chân. Nhờ các thầy luôn tìm cách động viên, truyền cảm hứng, tôi quyết tâm học bằng được điệu múa trống của dân tộc mình”- Tha Ni kể. Những ngày được ôm trống múa biểu diễn trên núi Bà Đen phục vụ hàng ngàn du khách thập phương, Tha Ni không giấu được niềm tự hào, vì “điệu múa của dân tộc mình được mọi người trân trọng, tán dương”.
Múa trống Chhay dăm là bài múa tập thể. Điệu múa trống Chhay dăm chỉ có 1 bài duy nhất nhưng nghệ nhân có thể sáng tạo thêm tiết tấu cho bài múa đặc sắc hơn, thời lượng tối đa khoảng 20 phút. Tiếng trống nổi lên, ai nghe thấy cũng rộn ràng, nôn nao với một sự phấn chấn khó tả.
Điều đặc biệt là ở động tác múa trống Chhay dăm theo bộ võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát mạnh mẽ. Chính vì những động tác mạnh mẽ, dứt khoát nên tham gia đội trống đều là nam. Cái khó nhất của nghệ nhân biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác.
Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân kết hợp với nhào, lộn vẫn phải bảo đảm âm thanh vang, không mất tiếng, không làm hạn chế cảm xúc và sự hưng phấn của người nghe. Trong lúc nhào lộn, người nghệ nhân phải ôm chặt trống vào người, không được để trống chạm sàn diễn, không tạo âm thanh lốp cốp. Người biểu diễn luôn phải tập trung cao độ khi vừa đánh trống, vừa lộn nhào nhiều vòng mà vẫn giữ được tiết tấu cho cả đội.
Biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử.
Điệu múa Khmer trong tiếng nhạc ngũ âm du dương của đồng bào Khmer vẫn là nét văn hoá riêng của Tây Ninh. Không phải ai cũng đủ may mắn để có thể đến Tây Ninh đúng vào dịp diễn ra lễ hội của đồng bào Khmer để được chiêm ngưỡng, lắng nghe.
Từ vũ điệu rộn ràng của các thiếu nữ mặc sampot rực rỡ sắc màu cho đến các vũ công điêu luyện trong điệu múa trống Chhay dăm mạnh mẽ, uyển chuyển đẹp mắt, các âm thanh từ trầm hùng đến cao vút, khi ngọt ngào lúc du dương từ khúc nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer… mang đến một không khí lễ hội độc đáo.
Động tác múa trống Chhay dăm theo bộ võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát mạnh mẽ
Cô gái Khmer Trần Phương Duyên tự hào nói: “Điệu múa truyền thống từ lâu đã ngấm vào máu của mỗi người dân Khmer. Em rất tự hào khi được biểu diễn, mang điệu múa truyền thống của dân tộc mình đến với công chúng”.
Nguồn: Di sản văn hoá dân gian Tây Ninh- bản sắc và tiềm năng du lịch