Tây Ninh: Nâng tầm sản phẩm
Năm 2023, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 31 sản phẩm OCOP, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, Công ty TNHH Tân Nhiên nâng hạng sản phẩm bánh tráng siêu mỏng từ 4 sao lên 5 sao và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh 1 nâng hạng 4 sản phẩm bánh tráng trộn ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành từ 3 sao lên 4 sao.
Sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tại xã Suối Dây. |
Thông qua hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho thấy, Chương trình OCOP đã khẳng định một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Qua từng năm, sản phẩm OCOP ngày càng được chủ thể quan tâm đầu tư phát triển, một số chủ thể đã bước đầu chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm, thiết kế lại bao bì, nhãn mác ngày càng thuận tiện, bắt mắt, dễ sử dụng. Đáng chú ý, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã có sự chuyển biến về chất, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chương trình OCOP của tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành tham gia vào đánh giá, phân hạng sản phẩm. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh bước đầu đã thấy được lợi ích của chương trình nên việc quan tâm hưởng ứng, thực hiện được lan toả tốt hơn. Hệ thống các đối tác của Chương trình OCOP, các doanh nghiệp dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình.
Mặc dù gặt hái những kết quả tích cực, tuy nhiên hiện nay, Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều sở, ngành, UBND các cấp, nhưng giai đoạn đầu triển khai các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố còn lúng túng trong cách làm và chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Các chủ thể có sản phẩm tiềm năng nhưng không tự tin tham gia Chương trình OCOP vì chưa thấy được ý nghĩa của việc tham gia chương trình và nghĩ rằng các thủ tục hồ sơ quá nhiều.
Theo Sở NN&PTNT, để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn này, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thực hiện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào việc nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo niềm tin để sản phẩm OCOP vươn xa, hướng đến xuất khẩu.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu có từ 15-20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có từ 2-3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.