Thách thức lớn trong thu hút vốn FDI
Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư vốn FDI Gần 11 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam 4 tháng qua |
Nhiều nhà đầu tư lớn đang tỏ ra dè dặt trong việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. |
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 150 - 200 tỷ USD giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD.
Mục tiêu này được Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng sẽ gặp thách thức lớn bởi việc tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua các ưu đãi thuế như Việt Nam.
Thuế suất tối thiểu toàn cầu được hình thành trong bối cảnh triển vọng phát triển kinh tế và thu ngân sách của hầu hết các nước giảm mạnh từ cuối năm 2019. Trong khi đó, ghi nhận việc hình thành các mức thuế suất khác biệt để tận dụng lợi thế toàn cầu hóa theo nhiều cách. Một số nước hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức rất thấp, thậm chí các thiên đường thuế còn đưa ra mức thuế suất 0%.
Thực tế đó khiến nhiều quốc gia, khu vực chịu áp lực từ việc doanh nghiệp đe dọa rút vốn, chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh dẫn đến buộc phải giảm thuế. Theo đó, hạ thuế suất đã trở thành công cụ của các quốc gia để cạnh tranh thu hút và giữ chân doanh nghiệp. Đối tượng hưởng lợi là các tập đoàn đa quốc gia, với việc dù có lợi nhuận cao, nhưng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế, vấn đề chuyển giá cũng ngày càng phức tạp.
Thách thức tiếp theo đến từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp vài năm gần đây, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia. Năm 2023, World Bank dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 1,7%, thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua .Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tỏ ra lạc quan hơn với mức 2,9%, thấp hơn đáng kể so với ước tính năm 2022.
Còn theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu bão hòa và chững lại từ giữa năm 2022, có thể giảm hoặc đi ngang trong năm 2023. Tại Việt Nam, tình hình thực tế thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã gặp nhiều khó khăn kể từ năm 2022 và bắt đầu xu hướng giảm theo từng quý.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhắc tới tác động của việc tham gia thuế thu nhập toàn cầu đối với kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu. Theo đó, việc mở rộng đầu tư của các dự án có nguy cơ giảm sút, đặt trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu hút vốn thực hiện 20-30 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2025.
Nguyên nhân của những lo ngại nói trên là bởi, rất nhiều dự án quy mô lớn thuộc ngành công nghệ cao, ngành ưu đãi đầu tư với mức thuế suất thấp hơn 15%. Nếu áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% thì lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, từ đây ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã thận trọng đối với hoạt động đầu tư mới cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư. Một trong các lý do là Việt Nam chưa có động thái rõ ràng về triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Tháng 12/2022, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tạm dừng kế hoạch mở rộng nhà máy trị giá 5 tỷ USD tại Việt Nam, tiến độ mở rộng đầu tư của Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) cũng bị ảnh hưởng do quá trình đàm phán chính sách kéo dài, Tập đoàn GenX (Hoa Kỳ) tuyên bố tạm dừng khảo sát và rút khỏi thị trường Việt Nam do gặp nhiều vướng mắc về chính sách.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung, SK, một số đối tác gia công sản xuất (OEM) của Apple và các nhà đầu tư Nhật Bản cũng quan ngại về khả năng môi trường đầu tư mất hấp dẫn, đồng thời mất đi khoản thu thuế hợp lý đáng kể nếu Việt Nam không có những quyết sách phù hợp để triển khai, ứng phó với tác động của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, thông tin của Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết hiện ghi nhận khoảng 335 dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động. Các dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Foxconn, Panasonic, Pegatron…
Trong số 335 dự án nói trên có 184 dự án đăng ký ở mức dưới 200 triệu USD, 108 dự án 200 - 500 triệu USD, 18 dự án từ 500 triệu – 1 tỷ USD và 25 dự án trên 1 tỷ USD. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1% số lượng dự án FDI tại Việt Nam nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án này lại chiếm tới gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131 tỷ USD).
Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, với việc hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, đây là các dự án có khả năng sẽ bị ảnh hưởng khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Bộ này cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thống kê cụ thể về số lượng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sắc thuế này trong thời gian tới.
Ngoài ra, một ảnh hưởng khác của thuế thu nhập toàn cầu là niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Cụ thể, về nguyên tắc, việc giữ nguyên ưu đãi cho các dự án đã cấp trước đó sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hợp lý thì mức ưu đãi này sẽ là vô nghĩa với họ do vẫn phải nộp mức chênh lệch tại quốc gia đặt trụ sở, qua đó, ảnh hưởng đến mức độ “thiện chí đồng hành” của Việt Nam với cộng đồng nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư lưu ý.
Nguồn:Thách thức lớn trong thu hút vốn FDI