Thách thức nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận ESG?
Doanh nghiệp được gì từ đầu tư cho phát triển bền vững? Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk: ESG không còn là lựa chọn, đó là cơ hội cho các doanh nghiệp |
Chỉ số ESG ngày càng phổ biến hơn với các doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng đưa doanh nghiệp ra thế giới và là những bước đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp.
Lúng túng triển khai
Tuy nhiên, khi làm việc với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc tư vấn các chương trình ESG của KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, đơn vị tư vấn nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về những thách thức trong tiếp cận và xây dựng ESG, tập trung lại 5 thách thức chính.
Thứ nhất, hiện có quá nhiều khung tiêu chuẩn về ESG hoặc những khái niệm, quy định về ESG khiến cho doanh nghiệp khá lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc bắt đầu từ yếu tố nào trước E (môi trường), S (xã hội) hay G (quản trị).
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc tư vấn các chương trình ESG của KPMG tại Việt Nam và Campuchia (ảnh: H.L) |
Thứ hai, khi bắt đầu áp dụng ESG, doanh nghiệp cũng không biết xây dựng hệ thống dữ liệu và nền tảng cơ sở về ESG của từ đâu.
Thứ ba, trong khi khái niệm phát triển bền vững được đề cập khá nhiều thì ESG lại là một xu hướng mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì thế, nhân sự thực hiện ESG là vấn đề rất khó khăn với doanh nghiệp.
“Chúng tôi đào tạo được một nhóm nhân viên, khi thực hiện dự án tư vấn cho doanh nghiệp nhưng sau khi kết thúc dự án cũng thiếu hụt đi vài người do được doanh nghiệp mời về làm. Hiện, không thể tìm được một người vừa có chuyên môn chung vừa giỏi về môi trường, biết các vấn đề về xã hội, thông thạo về các yếu tố quản trị. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thành lập bộ phận ESG nhưng cũng rất khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm thực hiện ESG” - ông Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Cuối cùng, khi tất cả những yếu tố trên đã sẵn sàng, doanh nghiệp bắt đầu mới đề cập đến khó khăn về chi phí để vận hành. Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, những khó khăn này thành vòng luẩn quẩn cuốn tròn lấy nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai ESG.
Đồng quan điểm, ông Nick Wood - cố vấn cao cấp của công ty tư vấn FTI cho rằng, trên thế giới đến nay khái niệm ESG chưa có định nghĩa thống nhất và các quốc gia có quy định, hướng dẫn chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện.
Lựa chọn tiêu chí phù hợp
Giải quyết những thách thức trên, các chuyên gia tư vấn về ESG cho rằng, giải pháp quan trọng không hẳn là tài chính, chi phí; trước hết, doanh nghiệp cần có nghiên cứu nghiêm túc dựa trên thực trạng của mình để tìm được lời giải cho vấn đề về quy định, nhân sự cũng như xây dựng chiến lược phù hợp.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, hiện nay khung ESG có quá nhiều quy định, doanh nghiệp nên lựa chọn những tiêu chuẩn có thể đạt được trong ngắn hạn, xây dựng chiến lược trung hạn và dài hạn. Thực tế khi làm việc với một số doanh nghiệp, chuyên gia này nhận thấy doanh nghiệp đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng, ngay từ năm đầu đã muốn xây dựng yếu tố về môi trường, tính toán khí phát thải ở mức độ cao trong khi hệ thống dữ liệu và cơ sở nền tảng của doanh nghiệp chưa cho phép. Do vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp cần đánh giá lại năng lực của mình.
“Dù doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn hãy bắt tay thực hiện ESG ngay lập tức và lựa chọn những tiêu chí phù hợp để áp dụng” - ông Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm áp dụng ESG bắt đầu từ việc thực hiện tiêu chí phù hợp |
Theo phân tích của chuyên gia, với yếu tố E (môi trường) một điều dễ nhận thấy các rủi ro về môi trường tại Việt Nam khác các rủi ro về môi trường ở những quốc gia khác, ở khu vực khác, thậm chí những rủi ro về môi trường tại Việt Nam cũng khác nhau. Trong một doanh nghiệp bất động sản, rủi ro về môi trường của doanh nghiệp ở khu vực phía Nam khác với yếu tố về môi trường khu vực phía Bắc. Hay trong một doanh nghiệp, rủi ro về môi trường cũng khác nhau như rủi ro về môi trường trong ngành nông nghiệp khác hoàn toàn so với doanh nghiệp làm việc trong chuỗi cung ứng.
Thực tế như vậy nhưng các tiêu chí ESG lại chung chung khiến cho doanh nghiệp áp dụng ESG luôn phải loay hoay tìm kiếm các tiêu chí phù hợp. Để giải quyết bài toán này, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, doanh nghiệp lựa chọn những tiêu chuẩn, cam kết có thể bắt đầu ngay.
Về nhân sự, chuyên gia của KPMG khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nội bộ. Thời gian đầu, doanh nghiệp có thể sử dụng nhân sự kiêm nhiệm rồi đào tạo dần dần để trở thành nhân sự chuyên trách.
“Đó là cách phát triển bền vững cho doanh nghiệp, thay cho việc đi tìm kiếm nhân sự bên ngoài thực hiện ESG ngay lập tức. Chúng tôi khẳng định rất khó để tuyển dụng ngay được một nhân sự có thể nắm được tất cả những vấn đề liên quan đến môi trường xã hội và quản trị. Vấn đề này không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả một ngành, trong cả hệ quy chiếu của bộ tiêu chuẩn cũng như các quy định, cam kết của Chính phủ. Nhân sự này thì cần phải xây dựng từ từ, bắt đầu từ trong doanh nghiệp” - ông Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo ông Nick Wood, trước khi áp dụng ESG, doanh nghiệp cần có nghiên cứu cụ thể, bắt đầu từ thực tế hoạt động của mình, đánh giá rủi ro, xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro, tham khảo từ những công ty đã thành công trong áp dụng ESG để rút ra kinh nghiệm… Đây không phải là việc thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần lộ trình dài hạn với mục tiêu, phần việc cụ thể xác định thời gian để doanh nghiệp đạt được năng lực cần thiết khi thực hiện ESG.
Nguồn:Thách thức nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận ESG?