Thái Nguyên: Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư vốn FDI Đại Từ quy hoạch 5 vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn |
Theo đó, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến nay tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí trên trên 163 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp, 88 hợp tác xã với trên 3.600 hộ tham gia liên kết.
Cụ thể, có gần 90 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, 25 dự án lĩnh vực chăn nuôi, 02 dự án lĩnh vực lâm nghiệp và 06 dự án lĩnh vực thủy sản. Theo đánh giá, sau khi triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hầu hết các hợp tác xã đã kết nạp thêm các thành viên liên kết, mở rộng diện tích sản xuất, tăng vốn điều lệ; dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; nhiều sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao.
(Ảnh minh họa. Nguồn: N. Thơm) |
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 04 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt do các doanh nghiệp, hợp tác xã tự triển khai thực hiện. Ngoài ra, có trên 1.300 trang trại chăn nuôi, hầu hết sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, trong đó, 400 trang trại đã liên kết với 13 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công, hình thành 16 chuỗi hoạt động liên kết sản xuất chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh Thái Nguyên nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia), trong đó chủ yếu là sản phẩm chè với 121 sản phẩm, chiếm 70% (01 sản phẩm đạt 5 sao và 120 sản phẩm đạt từ 3-4 sao); 30 sản phẩm thực phẩm chế biến như miến, bún, thịt sấy, dầu ép.. ; 21 sản phẩm là gia vị, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm tươi sống, thô, sơ chế và 01 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch.
Sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP, giá trị kinh tế của các sản phẩm nâng lên từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao tăng từ 20% - 50%, đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70-100%. Giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xác định đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện; phấn đấu chuẩn hóa ít nhất 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Nguồn:Thái Nguyên: Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị