Thanh Hóa dự chi gần 12.000 tỷ đồng nỗ lực giải phóng mặt bằng
Cá trích vào mùa, ngư dân Thanh Hóa kiếm tiền triệu mỗi ngày Chơi ở đâu khi đi đến Thanh Hóa? |
Ảnh minh họa |
Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Quyết định số 1887, ngày 17/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ban Chỉ đạo 1887 có 23 thành viên, do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp làm Phó ban chỉ đạo.
Mục đích của Đề án nhằm góp phần từng bước xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: Lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu... gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành trung tâm cảng biển, dịch vụ thương mại, logistics, cùng với các khu đô thị hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và cả nước.
Đề án thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2027, với tổng mức tiền sử dụng để thực hiện đề án là hơn 11.300 tỷ đồng. Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là hơn 1.500 ha.
Về nhiệm vụ cụ thể, từ năm 2023 - 2024, tỉnh tập trung GPMB, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Anh Sơn và Các Sơn, với diện tích khoảng 23ha, phục vụ di dân GPMB khu công nghiệp số 20, đồng thời triển khai GPMB với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi khu công nghiệp số 20.
Từ năm 2023 - 2025, GPMB, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh và 2 phường Mai Lâm, Trúc Lâm với tổng diện tích khoảng 57 ha, để chuẩn bị GPMB các khu công nghiệp số 21 và số 6.
Từ năm 2025 - 2027 thực hiện GPMB khu công nghiệp số 21, diện tích 395 ha và khu công nghiệp số 6, diện tích 549 ha.
Khu công nghiệp số 21 sẽ cần 1.121 tỷ đồng để GPMB khoảng 395 ha lấy đất thực hiện các dự án, đồng thời GPMB lấy đất để xây dựng các khu tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư.
Khu công nghiệp số 6 cần khoảng 7.254 tỷ đồng để GPMB 549 ha đất thực hiện dự án; và GPMB, đầu tư các khu tái định cư, hạ tầng kỹ thuật cho các khu tái định cư.
Khu công nghiệp số 20 cần khoảng 2.997 tỷ đồng để GPMB 604 ha đất thực hiện các dự án; và xây dựng các khu tái định cư.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, để triển khai các dự án đầu tư, trước hết phải thực hiện GPMB; để GPMB thuận lợi thì phải chuẩn bị tốt nơi tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất ở. Đây là công việc liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của địa phương và đời sống của người dân trong vùng ảnh hưởng. Do vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ công tác này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 1887 đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo, trên cương vị chức năng nhiệm vụ công tác của mình cần chủ động thực hiện tốt các phần việc được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo 1887 đã đề ra.
Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ GPMB. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, chỉ đạo tuyên truyền phổ biến Nghị quyết 357 của HĐND tỉnh, Quyết định 1887 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản liên quan. Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên nắm bắt tình hình, làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.
Với nỗ lực tập trung nguồn lực GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch”, kỳ vọng Thanh Hóa có thể đón được nhiều nhà đầu tư lớn trong thời gian tới.
Nguồn:Thanh Hóa dự chi gần 12.000 tỷ đồng nỗ lực giải phóng mặt bằng