Thanh Hóa: Kịp thời khắc phục 2 sự cố đê điều
Các cống xảy ra sự cố trên là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, ngày 23/9 tại cống tiêu Nổ Thôn tại vị trí K26+711 đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc đã xảy ra xảy ra sự cố lùng mang tường cánh cống phía sông, gây xói ngầm, rò nước vào phía trong đồng, nếu không kịp thời xử lý thì hiện tượng xói ngầm có thể dẫn đến sập đê. Cùng ngày, tại cống tiêu 3 cửa tại vị trí K37+840 đê tả sông Hoàng, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương đã xảy ra sự cố nứt, vỡ cánh cửa cống bằng bê tông.
Lực lượng chức năng xử lý sự cố đê huyện Vĩnh Lộc |
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã trực tiếp đến hiện trường phối với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai phương án xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Đến trưa ngày 24/9, các sự cố trên đã được xử lý, khắc phục xong.
Tuy nhiên tình hình lũ trên các sông ở Thanh Hóa vẫn còn ở mức cao, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai nhận định các sự cố vừa xảy ra rất nguy hiểm, gây mất an toàn chống lũ của các tuyến đê, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực đê bảo vệ. Vì vậy, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Xác định các cống xảy ra sự cố trên là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024, khẩn trương cập nhật, bổ sung xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Sơ tán gần 3000 hộ dân khỏi nơi nguy hiểm
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 23/9, để chủ động ứng phó với mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn đã chủ động sơ tán 2.873 hộ, với 11.759 nhân khẩu.
Theo thống kê bước đầu, mưa lũ đã làm 169 nhà bị thiệt hại. Trong đó huyện Mường Lát 11 nhà, Quan Sơn 92 nhà, Quan Hóa 49 nhà, Thường Xuân 17. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, nuôi trồng thủy sản... bị ngập úng, thiệt hại.
Lực lượng chức năng bố trí phương tiện tiếp cận, sơ tán hộ dân bị ngập sâu tại phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du |
10 điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở, trong đó, tại huyện Quan Sơn 3 điểm; Mường Lát 2 điểm; Quan Hoá 2 điểm; Lang Chánh 2 điểm; Bá Thước 1 điểm.
Sạt lở đất taluy dương, taluy âm tại 183 vị trí, với khối lượng 60.000m3 trên các tuyến quốc lộ như: QL15, 15C, 16, 217, 217B, 47. Ngoài ra, cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở khác trên các tuyến tỉnh lộ gây ách tắc giao thông.
Hiện ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.
Nguồn: Thanh Hóa: Kịp thời khắc phục 2 sự cố đê điều