Thanh Hoá: Người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Dính 5 sai phạm, doanh nghiệp ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng Thanh Hóa: Huyện Nga Sơn thiếu nước sạch do xâm nhập mặn |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các chương trình, nhiệm vụ đã giao tại Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025 đúng tiến độ và quy định.
Người đứng đầu chính quyền các địa phương ở Thanh Hoá chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường |
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí; tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI), đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin; kịp thời cảnh báo cho chính quyền địa phương khi xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe của cộng đồng dân cư; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xả bụi, khí thải không qua xử lý ra môi trường.
Sở Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp; yêu cầu UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn khi tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân, báo chí hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn xử lý phụ phẩm nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo hướng tái chế thành sản phẩm có ích, tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông cấp tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khỏe đối với tình hình ô nhiễm bụi trong không khí tại thời điểm này.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền về dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí cho cộng đồng xã hội hoặc thông tin dự báo thời tiết hàng ngày.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ban hành kế hoạch lộ trình chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý thực bì sau mỗi vụ thu hoạch, đảm bảo tỷ lệ thu gom, xử lý, chế biến rơm rạ, phụ phẩm nông lâm nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích đạt 100% (riêng UBND thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn bổ sung lộ trình chấm dứt hoạt động sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh trong khu dân cư tại các đô thị).
Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch; xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).
Địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, thì tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước pháp luật.
Nguồn: Thanh Hoá: Người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng