Tháo gỡ “điểm nghẽn”phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững
Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…
Sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43 - 45 triệu tấn, tương đương 26 - 28 triệu tấn gạo. Trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại là dành cho xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 7,8 triệu tấn thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nghiên cứu phát triển của giống lúa, tỷ trọng sử dụng giống lúa xác nhận không ngừng tăng. Các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường áp dụng. Thêm vào đó, chế biến gạo ngày càng phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Gạo Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng được các điều kiện an toàn thực phẩm.
Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Với đề án này, chúng tôi xác định mục tiêu hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mặc dù, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, nhưng nhiều hạn chế của ngành hàng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản xuất lúa gạo còn nhỏ lẻ, chi phí cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đồng thời, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức về nguồn nước: một là lũ không còn diễn ra theo quy luật, hai là mặn xâm nhập ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay, mục tiêu liên kết mới chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn; hợp đồng chỉ mang tính thời vụ; không có được đầu ra ổn định về sản lượng lúa tiêu thụ và giá bán sản phẩm, dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định… Tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Đối với các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa còn mang tư duy sản xuất theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, chạy theo số lượng hơn là chất lượng, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gia tăng ô nhiễm môi trường…
Ngoài ra, hoạt động sản xuất lúa gạo ở nước ta còn thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Điểm nghẽn này thể hiện rõ rệt nhất trong khâu thương thảo ký kết hợp đồng và trong khâu thu mua lúa. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín khi các bên tham gia liên kết “bẻ kèo”. Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường, cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu hàng hóa...
Ngành hàng lúa gạo của nước ta vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ, để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: ĐT. |
Để khắc phục những điểm nghẽn và nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng có trách nhiệm và bền vững, các chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đang tạo cơ hội phát triển lớn cho ngành hàng lúa gạo.
Trước hết là việc hoàn thiện hệ thống văn bản kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật tư đầu vào, đặc biệt đối với các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ và vi sinh hiện đang lưu hành trên thị trường; phát triển và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; áp dụng nghiêm khắc các chế tài quản lý bản quyền, sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm hành vi giả tạo nhãn hiệu, hành vi phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao được xây dựng…
Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Đây được xem là một giải pháp căn cơ mang tính chiến lược phòng thủ khi mà ngành hàng lúa gạo phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn bên trong. Xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam. Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược đối phó và thích ứng với những tác động từ môi trường kinh doanh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, lúa gạo vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam.
Để phát huy lợi thế đó, ngành lúa gạo cần tái cơ cấu để từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả; đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước và có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu. Ngành trồng trọt sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất lúa, đầu tư sản xuất lúa tại vùng trồng lúa chuyên canh trọng điểm vùng, phát triển giống lúa theo nhu cầu thị trường; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện tái cơ cấu tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu gạo và phát triển thị trường, bảo vệ tài nguyên và môi trường trong sản xuất lúa.
Nguồn:Tháo gỡ “điểm nghẽn”phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững