Tháo "vòng kim cô" cho điện tái tạo
Dự án điện gió muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10MW. Ảnh: Hoàng Anh |
Chính phủ đã ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (gọi tắt là cơ chế DPPA) sau gần 7 năm giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cho Bộ Công thương.
Cơ chế DPPA ra đời, nhằm đáp ứng yêu cầu xác định xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội trước đó, góp phần đảm bảo đồng thời nhiều mục tiêu về xu hướng sử dụng năng lượng sạch, thu hút đầu tư vào phát triển bền vững năng lượng tái tạo, hướng tới triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Đặc biệt, cơ chế DPPA được cho là lời giải bước đầu cho bài toán “trong chán, ngoài thèm” khi vẫn còn không ít nhà máy điện năng lượng tái tạo bị “bóp” công suất vận hành vì nhiều lý do dẫn tới dư thừa giữa bối cảnh cung ứng điện còn dự báo nhiều rủi ro về thiếu điện.
Cùng với đó là tâm lý lấn cấn về nguồn điện phục vụ sản xuất vẫn đè nặng nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cơ chế DPPA, quy định tại Nghị định 80/2024 mới ban hành, nêu chi tiết về hai hình thức mua bán điện trực tiếp gồm: thông qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia, tức thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ở phương án qua đường dây riêng, bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Nếu mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn cần đảm bảo các nguyên tắc cụ thể về hợp đồng cũng như giá bán.
Điển hình, hợp đồng mua bán điện do hai bên thỏa thuận phù hợp với Luật Điện lực và các văn bản quy phạm có liên quan như chủ thể hợp đồng, mục đích sử dụng, giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đường dây kết nối riêng.
Giá bán điện do hai bên thỏa thuận. Trường hợp đơn vị điện lực vừa phát điện vừa bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia để bán cho khách hàng thì giá bán lẻ điện thực hiện theo quy định do Bộ Công thương ban hành.
Bên phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị được ủy quyền theo quy định.
Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty điện lực/đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty điện lực, theo quy định.
Với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, nghị định quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và mua bán qua Tổng công ty Điện lực.
Dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10MW.
Một trong những điểm khác biệt của cơ chế DPPA mới so với các dự thảo mà Bộ Công thương trình Chính phủ thời gian qua, là nới lỏng quy định mức tiêu thụ điện hàng tháng của các khách hàng sử dụng điện lớn từ 500 nghìn kWh/tháng xuống 200 nghìn kWh/tháng.
Điều này, theo Cục Điều tiết điện lực, dự kiến sẽ cho phép gần 4.500 khách hàng sử dụng điện có mức sản lượng tiêu thụ điện hàng tháng từ mức 200.000 - 500.000kWh/tháng có thể tiếp cận với nguồn năng lượng sạch, đáp ứng các cam kết về môi trường của doanh nghiệp.
Đại diện một số cơ quan, đơn vị, và các tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Mỹ, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC, doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng và khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung, hiện đánh giá cao về ý nghĩa và tính kịp thời của việc ban hành cơ chế DPPA.
Đặc biệt, cơ chế DPPA mới đã hé mở khả năng thoát hiểm cho điện mặt trời mái nhà khi cho phép loại hình này được tham gia, trong bối cảnh Bộ Công thương đang soạn thảo chính sách khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu.
Gần nhất, hồi tháng 6 vừa qua, điện mặt trời mái nhà vẫn trong tình thế khó khăn bởi dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà do Bộ Công thương soạn thảo có nêu loại hình điện này "không được bán cho tổ chức, cá nhân khác". Theo đó, đòi hỏi bức thiết của nhiều doanh nghiệp sản xuất (nhất là trong các khu công nghiệp), cá nhân về lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng vẫn phải chờ cơ sở pháp lý.
Trạng thái này diễn ra từ tháng 1/2021 đến nay, tức sau khi Quyết định 13/2020 của Thủ tướng hết hạn.
Điển hình cho tâm tư của các tổ chức doanh nghiệp hoạt động sản xuất có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng tại chỗ là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (gọi tắt là Heineken Việt Nam).
Heineken Việt Nam quan ngại việc không bán được điện cho tổ chức, cá nhân khác bao gồm cả EVN sẽ cản trở phát triển điện mặt trời. Đầu tư cho điện mặt trời tốn rất nhiều chi phí nhưng không thu được thu hồi vốn từ bán điện thì sẽ không có nhà đầu tư nào quan tâm.
Theo khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công thương, khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu khoảng 1GW. Đồng thời, 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất khoảng 1.770MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án công suất khoảng 2.840MW cân nhắc tham gia.
Với việc cơ chế DPPA ra đời giúp tháo gỡ chính sách, tạo cơ hội rộng đường phát triển cho các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành năng lượng như BCG, Tập đoàn PC1 hay Tập đoàn Hà Đô.
BCG Energy sở hữu loạt dự án điện mặt trời quy mô tổng công suất gần 580MW tại các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Bình Định, Gia Lai. Về điện mặt trời mái nhà, BCG đang triển khai khoảng 23 dự án với mục tiêu đạt tổng công suất 150MW vào cuối năm 2024.
Tập đoàn PC1, bên cạnh cụm ba nhà máy điện gió hưởng giá FIT tại tỉnh Quảng Trị, đang đặt tham vọng đầu tư 350MW năng lượng tái tạo vào năm 2025, thậm chí vận hành thành công 1GW điện gió ngoài khơi vào năm 2035.
Nguồn: Tháo 'vòng kim cô' cho điện tái tạo