Thấy gì từ diễn biến giá dầu tuần qua?
Hình minh họa |
Theo chuyên gia John Kilduff trả lời AFP, đợt tăng giá dầu lần này là khá đáng chú ý, đặc biệt khi diễn ra bất chấp thị trường chứng khoán lao dốc và đồng USD mạnh lên.
Ông nhận định: “Giá dầu đã giảm đủ sâu trong những ngày qua, tạo điều kiện cho một đợt phục hồi nhẹ trước khi thị trường đóng cửa vào cuối tuần”.
Cụ thể, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 4 đã tăng 0,50% lên 74,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 3 cũng tăng 0,55%, lên 71,00 USD/thùng.
Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ
Ông John Kilduff cho biết, các nhà đầu tư đang cố gắng điều chỉnh chiến lược dựa trên những thông tin từ báo chí, cũng như các tuyên bố chính thức liên quan đến thuế quan. Tuy nhiên, thị trường vẫn chờ đợi sự rõ ràng hơn về những chính sách thực sự sẽ được áp dụng.
Trong một động thái bất ngờ vào phút chót, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tạm hoãn trong một tháng kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với Mexico và Canada, đổi lại hai nước này cam kết tăng cường kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc không được miễn trừ. Bắc Kinh hiện phải chịu mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đáp trả ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với một loạt mặt hàng của Mỹ, bao gồm dầu thô và các sản phẩm nông nghiệp.
Ông Kilduff nhận định, rất khó để đánh giá chính xác tác động thực sự của thuế quan lên dòng chảy cung ứng năng lượng. Ông so sánh với cách Nga đã linh hoạt tái cấu trúc hệ thống xuất khẩu để né tránh các lệnh trừng phạt trong quá khứ.
Bên cạnh đó, các chính sách thay đổi liên tục của Tổng thống Mỹ cũng khiến thị trường trở nên khó đoán. “Với ông Donald Trump, không ai có thể biết khi nào ông ấy sẽ quyết định ký một thỏa thuận”, ông Kilduff nói thêm.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng cao
Cùng với đà tăng của dầu mỏ, giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng vào thứ Sáu tuần trước, được thúc đẩy bởi dự báo thời tiết lạnh hơn và mức dự trữ khí đốt thấp hơn mức trung bình của nhiều năm qua.
Theo dữ liệu từ nền tảng Aggregated Gas Storage Inventory (AGSI), tính đến ngày 5/2/2025, tỷ lệ lấp đầy kho dự trữ khí đốt trung bình tại Liên minh châu Âu (EU) chỉ đạt 51%, giảm đáng kể so với 68% của cùng kỳ năm 2024.
Mike Fulwood, chuyên gia tại Oxford Institute for Energy Studies (OIES), cho biết tình trạng suy giảm dự trữ đã bắt đầu từ quý IV năm 2024, khi châu Âu phải đối mặt với thời tiết lạnh và ít gió, khiến sản lượng điện gió sụt giảm.
Ngoài ra, việc Nga ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, khiến châu Âu buộc phải rút lượng khí đốt dự trữ nhanh hơn dự kiến.
Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích tại Swissquote, nhận định rằng, “các kho dự trữ lớn đang có xu hướng tích trữ lại khí đốt dù giá cao, góp phần đẩy giá thị trường đi lên”.
Vào lúc 20 giờ, hợp đồng tương lai khí TTF Hà Lan, chỉ số tham chiếu cho giá khí đốt châu Âu, đã tăng 2,24%, lên mức 55,72 EUR/MWh.
Nguồn:Thấy gì từ diễn biến giá dầu tuần qua?