Thị trường bánh trung thu Hà Nội ế ẩm
Thị trường chung cư thay đổi thế nào sau vụ cháy chung cư mini? Tin nhanh chứng khoán ngày 19/9: Nhóm thép tăng mạnh, thị trường cân bằng trở lại |
Sức mua giảm rõ rệt
Còn hơn nửa tháng nữa là đến tết Trung thu, trên nhiều tuyến phố, siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội… đều đã bày bán các sản phẩm bánh trung thu. Đặc biệt, tại các ngã ba, ngã tư, các thương hiệu bánh Kinh Đô, Hữu Nghị, Madam Hương, Bảo Ngọc, Maison… gần như áp đảo. Điểm chung là rất ít khách mua.
Ghi nhận trên thị trường, bánh trung thu năm nay vẫn phong phú về chủng loại từ bình dân đến cao cấp. So với năm trước, các doanh nghiệp đều tăng giá từ 2.000 - 20.000 đồng/chiếc (tăng từ 5 - 10%).
Đơn cử, bánh nướng, bánh dẻo truyền thống của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội có mức giá thấp nhất từ 48.000 - 53.000 đồng/chiếc 150 gram; 59.000 - 65.000 đồng/chiếc 180 gram. Bánh trung thu Hữu Nghị có giá từ 57.000 - 68.000 đồng/chiếc, trọng lượng 150 gram và 180 gram. Bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen của Kinh Đô có giá khoảng 55.000 - 62.000 đồng/chiếc, trọng lượng là 150 gram và 180 gram.
Bên cạnh các sản phẩm cho người ăn kiêng, với dòng sản phẩm dành cho người ăn chay có loại bánh nhân làm từ tảo spirulina, sâm linh chi, tảo isomalt…; dòng cao cấp có bánh nhân vị mới lạ từ táo đỏ, trà san tuyết, cua hoàng đế… có giá từ 450.000 đồng đến 5 triệu đồng/hộp.
Đáng chú ý, nếu như trước đây bánh trung thu truyền thống thường có hạn sử dụng trong vòng 27 ngày, thì năm nay một số thương hiệu sản xuất dòng bánh trung thu công nghệ có thời hạn sử dụng lên tới 60 ngày. So với bánh truyền thống nhân mứt bí, hạt sen, lạp xưởng, mỡ, lá chanh…, dòng bánh hiện đại là các loại nhân nhuyễn như lá dứa, khoai môn, trà xanh… có vị ngọt thanh, mang đến lựa chọn mới cho người tiêu dùng
Bánh trung thu ở Hà Nội đa dạng nhưng chưa hút khách
Anh Trần Khánh Dương, nhân viên cửa hàng Bánh mứt kẹo Hà Nội trên phố Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho hay: "Hầu hết các cửa hàng đều mở quầy trước rằm trung thu ít nhất là 1 tháng. Lượng khách mua bánh thời điểm này khá ít, thậm chí có ngày ngồi từ sáng đến tối chỉ bán được đôi, ba chiếc, nhưng đây là cách để chúng tôi nhận diện thương hiệu, lấy vị trí đẹp bán những ngày sát rằm".
Theo anh Dương, khách hàng thường chọn bánh vị truyền thống biếu, tặng hoặc thắp hương, nhiều nhất cũng chỉ 1 - 2 hộp, chưa có các khách hàng công ty mua với số lượng lớn. "Do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng nên giá bán cũng tăng theo. Hơn nữa, do tình hình kinh tế doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu nên sức mua trên thị trường chưa như kỳ vọng". Anh Dương nói.
Đại diện nhiều quầy bánh trung thu cho biết, hiện nay so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, sức mua giảm rõ rệt. Anh Nguyễn Minh Đức, nhân viên bán hàng một đại lý của Kinh Đô trên phố Thái Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho hay: "Năm nay, hầu như chưa có khách hỏi các hộp quà biếu tặng cao cấp. Khách công ty cũng qua thăm dò lấy báo giá là chính chứ chưa chốt. Hiện tại, cửa hàng chỉ bán các sản phẩm bánh truyền thống là chủ yếu, còn các hộp quà tặng, bánh cao cấp, cửa hàng cũng đang nghe ngóng tình hình thị trường, phải sát rằm chúng tôi mới nhập về".
Mặc dù không niêm yết công khai, song nhiều cửa hàng đều cho biết nếu khách đặt số lượng lớn từ 5 - 300 hộp bánh trở lên sẽ được chiết khấu giảm giá từ 7 - 25%.
Loại bỏ điểm kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Trung thu, nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại bánh trung thu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm trung thu năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Đối tượng, địa bàn kiểm tra là các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn thành phố; các cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu...
Sở Công thương Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023. Quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hoạt động kiểm tra chú trọng các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát…; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác kiểm tra.
Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử thì hoạt động kiểm tra bao gồm cả việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại điện tử theo quy định…
Sở Công thương Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn thực phẩm và vi phạm trật tự công cộng…
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bà Trần Thị Phương Lan khuyến cáo: "Người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp tết Trung thu; tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…".
Nguồn: Thị trường bánh trung thu Hà Nội ế ẩm