Thị trường carbon trên thế giới được hình thành thế nào?
Nỗ lực đưa thị trường carbon vào vận hành từ năm 2028 Cần xây dựng cơ chế phát triển thị trường carbon rừng |
Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á.
Theo các chuyên gia, có hai loại thị trường chính, gồm: Thị trường carbon bắt buộc/Thị trường bắt buộc (mandatory carbon market): Trên thị trường này, việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI). Thị trường carbon tự nguyện/Thị trường tự nguyện (voluntary carbon market): Nguyên tắc hoạt động của thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị DN (ESG) để giảm dấu chân carbon.
(Ảnh minh họa) |
Các thị trường carbon lớn trên thế giới có thể kể đến như: Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu. Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Năm 2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.
Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. Tiềm năng của giá trị thị trường Carbon được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2030 -2050 khi các quốc gia buộc phải thực hiện đầy đủ các cam kết giảm phát thải của mình. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia công nghiệp như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và châu Âu sẽ vẫn là người mua chủ đạo trong khi các nước châu Mỹ La tin, Trung Quốc và Ấn Độ, châu Phi là người bán then chốt. Tuy nhiên, một số nước hiện đang là người bán sẽ chuyển sang vai trò là người mua vào cuối thế kỷ này. Tất cả các quốc gia đều muốn tính toán giá thành cho việc giảm phát thải. Tuy nhiên, do chưa có thị trường thực sự và đúng nghĩa cho việc này, nên các tính toán này chỉ có thể đưa ra giá ảo. Giá ảo là giá hoặc giá trị quy đổi của hàng hóa và dịch vụ khi chúng không được xác định một cách chính xác do thiếu thị trường để hình thành giá cả, hoặc do có sự biến động của giá cả trên thị trường.
Theo tính toán, giá ảo của giảm phát thải là 161 USD/tCO2 cao hơn 50% so với giá ảo được ước tính trên quy mô toàn cầu vào năm 2100. Sự gia tăng này chứng tỏ, các hoạt động giảm thiểu được thực hiện trong giai đoạn đầu 2020-2035 sẽ thể hiện sự tiết kiệm cho các nước bên bán, dẫn đến các hành động giảm phát thải mạnh mẽ hơn. Ngược lại, đến năm 2050, những khoản tiết kiệm đó chuyển thành chi phí khi các quốc gia này trở thành người mua, và do vậy có khả năng hạn chế tham vọng giảm phát thải của họ.
Các quốc gia có cách tiếp cận định giá carbon khác nhau, đặc biệt có sự khác nhau giữa xây dựng thuế carbon và hệ thống thương mại giảm phát thải. Trong 41 nước OECD và G20 chiếm tới 80% việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu và phát thải CO2 thì: 60% lượng khí thải carbon từ việc sử dụng năng lượng không được định giá. Theo World Bank, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra từ một tấn khí thải CO2 được ước tính tối thiểu là 30 EUR. Hiện nay, ở các nước châu Âu, có khoảng 10% lượng khí thải được định giá ở mức dao động khoảng 80 EUR cho mỗi tấn CO2 .
Nguồn:Thị trường carbon trên thế giới được hình thành thế nào?