Thị trường chứng khoán thế giới ngày 17/12: Bán tháo tiếp tục diễn ra khi nỗi sợ suy thoái vẫn còn
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chứng khoán Mỹ
Chỉ số Dow Jones mất 281,76 điểm, tương đương 0,85%, xuống 32.920,46 điểm. Ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ số này đã giảm tới 547,63 điểm, sau đó phục hồi trước khi kết phiên.
S&P 500 giảm 1,11% xuống 3.852,36 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm 0,97% xuống 10.705,41 điểm.
Giao dịch biến động đặc biệt mạnh vào thứ Sáu khi một lượng lớn hợp đồng quyền chọn (Option) đáo hạn. Theo Goldman Sachs, có 2,6 nghìn tỷ USD quyền chọn chỉ số sắp hết hạn, cũng là số lượng cao nhất so với quy mô của thị trường chứng khoán trong gần hai năm qua.
Ngoài ra, cổ phiếu giảm sau các báo cáo sơ bộ về hoạt động kinh tế ở Mỹ trong tháng này từ S&P Global. Chỉ số PMI dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, trong khi chỉ số sản xuất tháng 12 rơi xuống mức thấp nhất trong 31 tháng.
Dữ liệu PMI sản xuất công bố hôm thứ Sáu ở mức 46,2 điểm, so với dự báo là 47,7 điểm, còn PMI dịch vụ là 44,4 điểm, dưới mức dự kiến là 46,8 điểm. Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 11 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng thấp hơn dự kiến.
Ba chỉ số lớn ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. S&P 500 đi lùi 2,08% trong tuần, đưa mức giảm trong tháng 12 lên 5,58%, do hy vọng về một đợt phục hồi vào cuối năm đã không còn. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt giảm 1,7% và 2,7%.
Thị trường chứng khoán ảm đạm trong tuần này theo sau quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed vào hôm thứ Tư, đưa lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Cơ quan này thông báo rằng lãi suất sẽ còn tăng lên 5,1% vào năm 2023, cao hơn so với những dự báo trước đó, và sẽ giữ mức này cho đến 2024.
Sau tin tức trên, chỉ số Dow giảm 142 điểm vào thứ Tư, 764 điểm vào thứ Năm và giảm thêm vào thứ Sáu.
Kim Forrest, người sáng lập Bokeh Capital cho biết: “Vào đầu tuần, chúng tôi đã có hy vọng rằng với chỉ số CPI thấp tháng 11, Fed và có thể là các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ bớt tâm lý diều hâu hơn”.
“Nhưng bởi vì họ đã không làm như vậy và họ đã có những lời lẽ nghiêm khắc đối với các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng rằng họ thực sự tập trung vào việc giảm lạm phát một cách nhanh chóng, điều đó đã lấy đi rất nhiều hy vọng của chúng tôi”, Forrest nói thêm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết trong tuần này rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất với mức tăng 50 điểm cơ bản vào năm tới. Ngân hàng Anh là ngân hàng trung ương lớn duy nhất trong tuần này đưa ra tín hiệu thận trọng về việc tăng lãi suất cao hơn, khi họ tin rằng nền kinh tế Vương quốc Anh đã rơi vào suy thoái.
Chứng khoán châu Á
Cổ phiếu châu Á giảm theo Phố Wall và châu Âu vào thứ Sáu, với việc các thị trường lo lắng về nguy cơ Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể tiếp tục nâng lại suất để gây ra suy thoái và nhằm kiểm soát lạm phát.
Số ca nhiễm tăng mạnh ở Trung Quốc sau động thái nới lỏng các biện pháp phòng dịch của quốc gia này đã làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng kéo dài của đại dịch lên nền kinh tế.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,34%, xuống mức 27.527,12 điểm, đánh giấu tuần giảm thứ 2 trong 3 tuần qua. Sàn Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 2,26% trong tuần này, xuống 19.450,67 điểm. Sàn Shanghai Composite giảm 1,22%, đóng tuần ở mức 3.167,86 điểm.
Nguồn: Thị trường chứng khoán thế giới ngày 17/12: Bán tháo tiếp tục diễn ra khi nỗi sợ suy thoái vẫn còn