Thị trường chứng khoán thế giới ngày 28/1: Chỉ số Mỹ tăng nhẹ khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 27/1: Dow Jones nhảy vọt sau dữ liệu GDP tích cực Thị trường chứng khoán thế giới ngày 26/1: Dow Jones hồi phục mấp mé trên mốc tham chiếu |
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chỉ số Dow Jones tăng 28,67 điểm, tương đương 0,084%, lên 33.978,08 điểm và S&P 500 nhích nhẹ 10,13 điểm, tương đương 0,25%, lên 4.070,56 điểm. Nasdaq Composite tăng mạnh nhất trong 3 chỉ số, đóng cửa ở mức 11.621,71 điểm sau khi tăng 109,30 điểm, tương đương 0,95%.
Cả 3 chỉ số chính của Mỹ đều đóng cửa với số điểm cao hơn tuần trước. S&P 500 tăng 2,5%, trong khi chỉ số Dow tăng 1,8%. Nasdaq vọt lên 4,3%, ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp tổng cộng 11%, cũng là đà tăng mạnh nhất kể từ tháng 8.
Đợt phục hồi này dựa trên chuỗi tăng điểm của các cổ phiếu trong phần lớn tháng 1, kéo các chỉ số chính lên cao hơn so với mức kết thúc năm 2022 và mang lại sự bình tĩnh cho một thị trường đã biến động dữ dội trong phần lớn năm qua.
Kết quả là một sự thay đổi lớn về tài sản từ cổ phiếu sang trái phiếu rồi đến tiền điện tử, với việc các nhà đầu tư một lần nữa đổ xô vào các tài sản đầu cơ nhất của thị trường. Các mảng của thị trường mà Phố Wall đã đặt cược sẽ đi xuống vào đầu năm lại tăng vọt. Tesla, vừa trải qua một năm tồi tệ nhất được ghi nhận, đã tăng hơn 40% trong tháng Giêng. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm trong khi giá trái phiếu tăng.
Tâm trạng của nhiều nhà đầu tư dường như đã thay đổi, một phần được thúc đẩy bởi các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay đầu và nền kinh tế không suy thoái nhanh như nhiều người lo ngại.
Dev Kantesaria, người sáng lập Valley Forge Capital cho biết: “Tôi thực sự khá lạc quan về tình hình hiện tại. Lạm phát đang được cải thiện trên diện rộng”.
Ông Kantesaria cho biết ông coi đường đi của lãi suất là yếu tố tối quan trọng đối với lợi nhuận cổ phiếu, bất chấp hàng loạt báo cáo kết quả thu nhập của doanh nghiệp đã giảm trong những tuần gần đây. Ông đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng sẽ phải cắt giảm lãi suất, điều sẽ giúp ích cho thị trường chứng khoán.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn trong cuộc họp vào tuần tới. Kỳ vọng về việc tăng lãi suất ít hơn đã giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao, với S&P 500 tăng 6% từ đầu năm đến nay.
Các nhà đầu tư đang đánh giá cách một loạt dữ liệu kinh tế mới sẽ ảnh hưởng đến chính sách của ngân hàng trung ương như thế nào trong suốt năm nay. Fed đã tăng lãi suất 7 lần vào năm 2022 trong nỗ lực làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát. Trong khi lạm phát có dấu hiệu dịu đi, các quan chức đang tập trung vào việc đảm bảo rằng chỉ số này sẽ tiếp tục suy yếu.
Dữ liệu của Bộ Thương mại công bố hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng 12 so với tháng trước và 4,4% so với năm trước. Số liệu thống kê cũng cho thấy các hộ gia đình Mỹ đã cắt giảm chi tiêu trong tháng 12, làm tăng thêm dấu hiệu về suy thoái kinh tế.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,517%.
Chứng khoán châu Á
Tại châu Á, Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận mức tăng 3,12% trong tuần, được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc của Mỹ, làm tăng hy vọng của một hạ cánh mềm. Các nhà đầu tư cũng tập trung vào lạm phát giá tiêu dùng cơ bản của tháng 1 của Tokyo khi chỉ số này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát đã vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tháng thứ 8 liên tiếp và gây thêm áp lực lên ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình.
Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã nối lại giao dịch vào thứ Năm sau các ngày nghỉ Tết Nguyên đán và chỉ số Hang Seng tăng 2,96% trong tuần.
Hoạt động trong nước của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, thúc đẩy sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự đoán sau khi các hạn chế do đại dịch được gỡ bỏ.