Thị trường chứng khoán thế giới ngày 3/2: Nasdaq nhảy vọt 3% nhờ thông tin lợi nhuận từ Meta
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 2/2: Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau phát biểu của Chủ tịch Fed Thị trường chứng khoán thế giới ngày 1/2: Chỉ số Mỹ tăng điểm trước cuộc họp của Fed |
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chứng khoán Mỹ
Khi thị trường đóng cửa, Nasdaq Composite tăng 3,25% lên 12.200,82 điểm, trong khi S&P 500 tăng 1,47% lên 4.179,76 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones, mặc dù vượt trội so với các chỉ số chính khác vào năm 2022, đã giảm 39,02 điểm, tương đương 0,11% xuống 34.053,94 điểm.
Nasdaq đã tăng 16,57% từ đầu năm, đánh dấu khởi đầu tốt nhất của chỉ số này kể từ năm 1975, khi chỉ số này tăng 16,65%, theo Dữ liệu Thị trường Dow Jones.
Đà tăng ngày thứ Năm được thúc đẩy bởi hiệu suất lạc quan của Meta (mã: META), cho thấy một tương lai tươi sáng hơn cho các công ty công nghệ. Giao dịch cũng được thúc đẩy bởi các biện pháp nhẹ nhàng hơn của Fed, đẩy cổ phiếu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ lên cao hơn.
Đối với sự sụt giảm của chỉ số Dow, nó được cho là bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu giá cao.
Nhìn chung, các thị trường tiếp tục hướng đi của mình từ ngày hôm trước, khi Nasdaq dẫn đầu đà tăng sau khi Fed dự kiến tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương vẫn đang xem xét việc tăng lãi suất “thêm một vài lần nữa”, nhưng các thị trường tin vào khả năng rằng việc thắt chặt sắp kết thúc.
“Giá cổ phiếu tăng chắc chắn là điều đáng hoan nghênh khi chúng ta bước sang trang mới sau một năm 2022 tồi tệ. Như đã nói, chúng tôi không ngạc nhiên khi thị trường phớt lờ hướng dẫn của Fed về lộ trình lãi suất trong tương lai. Thị trường từ lâu đã không tin vào những gì quan chức Fed nói”, theo Daniel Berkowitz, giám đốc đầu tư của Prudent Management Associates.
Andrew Brenner của Natalliance Securities cũng chia sẻ quan điểm tương tự.
“Các ngân hàng trung ương đã mất kiểm soát”, Brenner viết. "Câu thần chú 'Đừng chống lại Fed' giờ đã chết".
Các nhà đầu tư hiện đang tập trung vào báo cáo việc làm tháng Giêng, công bố vào thứ Sáu (3/2). Theo FactSet, các nhà kinh tế dự kiến sẽ có thêm 185.000 việc làm trong tháng 1, giảm so với 223.000 việc làm được thêm vào tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 3,5% lên 3,6%.
Vào thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm, đạt mức 183.000 trong tuần kết thúc vào ngày 28/1 và giảm 3.000 so với tuần trước.
Bill Adams, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Comerica, viết: “Bỏ qua những dữ liệu gây rối, thị trường việc làm tiếp tục giảm dần - và có thể sẽ giảm hơn nữa vào tháng Hai khi các thông báo sa thải tăng vọt trong tháng Giêng biến thành tình trạng mất việc làm".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm dao động quanh mức 4,11%, thấp hơn so với mức khoảng 4,2% trước khi Fed phát biểu ngày hôm qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm cũng thấp hơn so với ngày hôm trước, ở mức khoảng 3,4% vào thứ Năm.
Lĩnh vực công nghệ cũng được thúc đẩy sau khi Meta công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng cường mua lại cổ phiếu, khiến cổ phiếu này tăng 23,3% vào thứ Năm. Sau tiếng chuông đóng cửa, các nhà đầu tư sẽ nhận được kết quả thu nhập từ Apple (AAPL), Alphabet - công ty mẹ của Google (GOOG) và Amazon (AMZN).
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán châu Á giao dịch trái chiều vào thứ Sáu (3/2) trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố, vốn có thể ảnh hưởng đến lãi suất toàn cầu.
Báo cáo thu nhập thấp hơn dự kiến từ các công ty công nghệ Mỹ, được công bố sau khi giờ giao dịch ở Phố Wall kết thúc, đã kéo các chỉ số của Trung Quốc giảm điểm. Sàn Hang Seng của Hồng Kông sụt giảm 1,36% xuống 21.660,47 điểm, còn Shanghai Composite tại Thượng Hải đi lùi 0,68% xuống 3.263,41 điểm.
Trong khi đó, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,39% lên 27.509,46 điểm.
Nguồn:Thị trường chứng khoán thế giới ngày 3/2: Nasdaq nhảy vọt 3% nhờ thông tin lợi nhuận từ Meta