Thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao?
Trung Quốc dự trữ khối lượng lớn dầu thô khủng, điều gì đang xảy ra? OPEC+ sẽ không hy sinh lợi ích của mình vì các mục tiêu địa chính trị của Mỹ và EU |
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra quan điểm lạc quan này trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Tình trạng nguồn cung khan hiếm đã tạo thành đà cho nhu cầu gia tăng. Báo cáo hàng tháng của OPEC cũng cho thấy, Ả Rập Xê-út đã thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 7/2023.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024, so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023. Cả hai dự báo đều không thay đổi so với tháng trước.
"Triển vọng lành mạnh cho ngành dầu mỏ trong nửa cuối năm, cùng với lối tiếp cận mang tính phủ đầu, chủ động và thận trọng của OPEC và những nước khai thác ngoài OPEC nhằm đánh giá điều kiện thị trường và thực hiện biện pháp cần thiết đúng lúc đúng thời điểm, sẽ đảm bảo sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu", trích dẫn nhận xét của OPEC trong báo cáo của họ.
Báo cáo cho biết thêm, dự kiến trong năm 2024, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện kinh tế và đạt mức tăng trưởng "vững bền", giúp thúc đẩy tiêu thụ dầu.
OPEC và các nước đồng minh của họ, được gọi là OPEC+, đã bắt đầu thắt chặt nguồn cung vào cuối năm 2022 nhằm thúc đẩy thị trường. Vào tháng 6/2023, họ tiếp tục kéo dài chính sách cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu cho đến năm 2024. Nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy giá dầu tăng. Vào hôm 10/8, dầu thô Brent được giao dịch trên mức 88 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Trong báo cáo, OPEC cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023, từ mức cũ là 2,6% thành 2,7%. Họ cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của năm tới lên thành 2,6%. Theo họ, mức tăng trưởng của nước Mỹ, Brazil và Nga đã vượt kỳ vọng ban đầu trong nửa đầu năm 2023.
Mặt khác, tổ chức này cảnh báo: "Tuy đã có những diễn biến tích cực mới, vẫn còn nhiều bất ổn có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, do đó chúng cần được theo dõi thận trọng". Theo họ, những yếu tố trên bao gồm lạm phát và lãi suất tiếp tục tăng cao.
Chính sách tự nguyện của Ả Rập Xê-út
Báo cáo cũng cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã giảm mạnh trong tháng 7, vì Ả Rập Xê-út đã cam kết cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Họ đã duy trì chính sách này từ tháng 9/2022.
Kết quả: Trong tháng 7, sản lượng dầu của OPEC đã tiếp tục giảm đi 836.000 thùng/ngày, xuống còn 27,31 triệu thùng/ngày. Đây là số liệu mà báo cáo thu thập được từ những nguồn bên ngoài, bao gồm các nguồn phân tích dữ liệu và phương tiện truyền thông ngành dầu mỏ.
Về phía Ả Rập Xê-út, họ cho biết mức cắt giảm cụ thể của tháng 7 là 943.000 thùng/ngày. Như vậy, sản lượng tháng 7 của Riyadh là 9,013 triệu thùng/ngày. Cam kết cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày được công bố lần đầu tiên tại cuộc họp mặt của OPEC+ vào tháng 6, và đã được gia hạn hai lần để kéo dài cho đến hết tháng 8 và tháng 9.
Nguồn:Thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao?