Thị trường tín chỉ Carbon: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp
Từ khoá tín chỉ Cacbon được nhắc đến ngày càng nhiều nhưng lộ trình đặc ra được đánh giá là rất tham vọng và rất thách thức.
“Nóng” Thị trường tín chỉ Cacbon
Theo các chuyên gia, thị trường Carbon sẽ mang đến cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam; các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính Carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải, tiến tới Net Zero Carbon vào năm 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Th.S Thái Trần - Giám đốc công ty Tư vấn Hanam Carbon – chuyên gia đứng Top 5 tư vấn CDM trên toàn thế giới, cho biết: Tham gia vào thị trường Carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa Carbon. Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường Carbon nhận được lợi ích hai chiều: Thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ Carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ Carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn Tài chính Xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt. Mặc dù thị trường tín chỉ Carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải Carbon khi xuất sang thị trường châu Âu, do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon. Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trên, từ dó có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này.
Th.s Thái Trần trao đổi trong Hội thảo về tín chỉ Cacbon |
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, các chuyên gia đều thừa nhận việc triển khai trong thực tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh cần phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, điều chỉnh về chiến lược, nguồn lực tài chính, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa các chính sách, công cụ pháp lý để hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào “sân chơi” quốc tế, từ đó nâng cao thương hiệu và vị thế của các doanh nghiệp Việt nói riêng và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, cần phải bắt đầu từ đâu trong lộ trình này. Ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn là xu hướng, là theo trend, là tất yếu, hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Theo ông Danh, doanh nghiệp nên bắt đầu từ lãnh đạo, nhà lãnh đạo phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến môi trường, nghĩ về marketing, về trách nhiệm xã hội. Suy nghĩ về thu hút khách hàng có trách nhiệm, xây dựng văn hóa cùng nhau nghĩ về môi trường, tạo cho doanh nghiệp có bản sắc, chúng ta nên làm vì hiệu quả sẽ đến từ văn hóa doanh nghiệp. Trong một sân chơi hướng về nền KTTH, về tín chỉ Carbon, những doanh nghiệp khi cần sản phẩm của mình, trước đây họ thường đòi hỏi ISO, còn bây giờ họ sẽ cần tìm doanh nghiệp trong chuỗi liên kết thực hiện KTTH, đầu vào cũng phải KTTH, thì mới có thể thực hiện KTTH khép kín. Vòng tròn khép kín của KTTH sẽ giúp doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU Go Green hoặc Hitech thì cần KTTH để đảm bảo xuất hàng, cuối cùng sẽ là câu chuyện của sự thành công và thất bại về kinh tế tuần hoàn của các nước và Việt Nam.
Thực hành ESG tốt để nền kinh tế phát triển bền vững
ESG (môi trường - xã hội - quản trị) nổi lên như một công cụ để doanh nghiệp hướng đến bền vững và sau đó đạt được mục tiêu Net Zero. Doanh nghiệp Việt không thực hành tốt ESG hoặc không sớm triển khai thì 3-5 năm tới sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ góp phần đạt được mục tiêu SDGs, qua đó cải thiện hình ảnh, nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút đầu tư. Phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không, mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển. ESG bền vững không phải là xu hướng nhất thời mà chính là mục tiêu cần thiết của các doanh nghiệp Việt.
Theo các chuyên gia, ESG hay Net Zero sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định. Một là khả năng tiếp cận được những nguồn vốn với chi phí vốn thấp hơn so với doanh nghiệp bình thường. Hai là khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Ngược lại, nếu không đầu tư thì chưa tới 5 năm sau sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.
Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen cho rằng: Là một thành viên trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. ESG đã ra đời cùng với bộ nguyên tắc đầu tư trách nhiệm (PRI) để thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phải quan tâm, thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình một cách có trách nhiệm với xã hội. Thúc đẩy thực hiện ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giảm rủi ro mà các tác động môi trường, xã hội, quản trị gây ra. Thúc đẩy thực hiện ESG là nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), góp phần hiện thực hóa xã hội không Carbon (Net Zero).
Việt Nam có nhiều tiềm năng tín chỉ Cacbon đến từ rừng |
ESG, tài chính xanh và tín chỉ carbon để hướng tới Net Zero
Một vấn đề làm nóng dư luận khi vấn đề về ESG, tài chính xanh, những bước tiến và phương pháp hiệu quả để đạt được tín chỉ Carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero Carbon được mổ xẻ nhiều. Những nội dung về “nút thắt” của thị trường tín chỉ Carbon ở Việt Nam cần phải tháo gỡ ra sao để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này cũng được các chuyên gia, thẳng thắn đề cập, chỉ ra hành trình xây dựng một tương lai bền vững và không Carbon cho Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề cũng được nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng KTTH khép kín và phát triển thị trường tài chính Carbon. Thành công của KTTH và các doanh nghiệp cũng như của Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi này đều phụ thuộc vào khả năng thích nghi và áp dụng các giải pháp phù hợp.
Năm 2050, Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế.
Nguồn: Thị trường tín chỉ Carbon: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp