Thích "nổ", nhiều người tiêu dùng tiếp tay cho hàng giả
Tâm lý biết - nhưng vẫn mua
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có gần 75% người dùng Internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, trong đó có đến 70% từng mua phải hàng giả, hàng nhái.
Nhưng trong khi các cơ quan chức năng đang ngày đêm vào cuộc mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thì một thực tế phũ phàng khác đang diễn ra đó chính là người tiêu dùng lại đang âm thầm góp phần hạn chế công cuộc triệt phá.
Có thể thấy rằng, hiện nay trên thị trường không khó để bắt gặp những người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ, chủ động tìm mua các sản phẩm hàng giả dù họ hoàn toàn nhận thức rõ đó không phải là hàng chính hãng.
Những buổi livestream bán túi xách “fake như auth”, giày “rep 1:1”, ví “super fake” xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, bình luận sôi nổi và đơn đặt hàng dồn dập đủ cho thấy sức hấp dẫn không nhỏ của thị trường hàng nhái, bất chấp tính pháp lý mập mờ và những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng.
Trao đổi với phóng viên, Anh Bình (Vân đình, Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ "Nếu là hàng chính hãng của các thương hiệu lớn, sản phẩm sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đối với hàng quảng cáo trên mạng thường chỉ có giá vài trăm nghìn, với số tiền cũng không lớn nên nhiều lúc tôi cũng thử mua các sản phẩm quảng cáo dù cũng biết là giá bán đó không thể là hàng chính hãng được".
Chính tâm lý “sống ảo”, nhu cầu thể hiện phong cách cá nhân và khẳng định đẳng cấp qua vẻ bề ngoài đã khiến nhiều người sẵn sàng thỏa hiệp với hàng giả, coi đó như một lựa chọn “thông minh” thay vì là một hành vi vi phạm.
![]() |
Các mặt hàng được quảng cáo giống hệt hàng thật được bày bán rộng rãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội (Ảnh minh họa) |
Họ không hề quan tâm rằng đằng sau món đồ “hiệu” giá rẻ ấy chính là vấn đề tổn thất rất lớn cho nền kinh tế, thất thu thuế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm méo mó thị trường và bóp nghẹt doanh nghiệp chân chính.
Nguy hiểm hơn, trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng giả có thể gây hậu quả khôn lường khi không chỉ tác động đến cá nhân người dùng, mà còn với cả cộng đồng, xã hội.
Và theo đánh giá của các chuyên gia, nếu người tiêu dùng gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chính là đã góp phần dung túng cho các hành vi, các đối tượng vi phạm pháp luật.
![]() |
Nhiều gian thương buôn bán các món đồ hiệu được làm nhái với giá thành rẻ bất ngờ trên mạng xã hội (Ảnh minh họa) |
Cần giải quyết từ gốc
Thay vì chỉ chăm chăm tìm lời giải cho câu hỏi “Làm sao để ngăn chặn hàng giả?”, có lẽ điều chúng ta cần đối diện trước tiên là: “Vì sao hàng giả vẫn còn đất sống?”. Câu trả lời không đơn thuần nằm ở những kẻ kinh doanh bất lương hay những lỗ hổng trong công tác quản lý, mà sâu xa hơn, nằm ở chính sự lựa chọn và thỏa hiệp của người tiêu dùng.
Xuất phát từ tâm lý sính hàng hiệu nhưng không muốn bỏ ra chi phí lớn hay nhu cầu thể hiện hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, cùng với đó là xu hướng tôn thờ vật chất hào nhoáng, tất cả tạo nên mảnh đất màu mỡ để hàng giả len lỏi và sinh sôi.
Và khi khao khát thể hiện vượt quá khả năng chi trả, hàng “fake” sẽ trở thành lựa chọn dễ dãi vừa có thể thỏa mãn nhu cầu, vừa không khiến túi tiền cạn kiệt.
Để ngăn chặn hàng giả một cách bền vững, rõ ràng không thể chỉ trông chờ vào các chiến dịch kiểm tra, xử phạt từ lực lượng chức năng mà còn cần một chiến lược toàn diện không chỉ xử lý “ngọn” là những kẻ bán hàng, mà phải chạm đến “gốc” là hành vi và nhận thức của người tiêu dùng.
Muốn xử lý tận gốc, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy tiêu dùng từ tâm lý dễ dãi, sính hàng hiệu rẻ tiền sang hình thức tiêu dùng có trách nhiệm và tỉnh táo.
Người tiêu dùng cần hiểu rằng, mỗi món hàng giả được mua về không chỉ là một món đồ, mà chính là một lần tiếp tay cho gian thương, là một mắt xích làm rối loạn thị trường, thậm chí là một rủi ro cho chính sức khỏe và quyền lợi của mình.
Hơn thế, việc giáo dục tiêu dùng, đặc biệt với giới trẻ, phải là nền tảng của mọi chiến dịch chống hàng giả cùng với đó là sự phối hợp từ phía nhà trường, truyền thông đến các nền tảng mạng xã hội - nơi hành vi tiêu dùng được thể hiện công khai nhất để lan tỏa quan điểm “sử dụng hàng thật là thể hiện văn minh và trách nhiệm xã hội”.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng. Khi mỗi cá nhân biết cách nói “không” với hàng giả: không mua, không chia sẻ, không quảng bá thì hàng giả dù có rẻ, có tinh vi đến đâu cũng không thể sống sót.
Cuộc chiến này không chỉ cần sự mạnh tay của các cơ quan quản lý, mà còn cần sự tỉnh táo của của người mua để thị trường tiêu thụ sẽ thực sự an toàn, lành mạnh và văn minh.
Nguồn: Thích 'nổ', nhiều người tiêu dùng tiếp tay cho hàng giả
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Quảng Ninh: Khám phá du lịch vùng cao Hạ Long

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Giá xăng dầu thế giới tăng bùng nổ

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 16/6: Chỉ số USD Index đứng ở mức 98,14

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/6: Bộ Xây dựng làm rõ quy định chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

Giá heo hơi hôm nay 16/6: Cao nhất 75.000 đồng/kg
