Thời điểm vàng của du lịch
Thúc đẩy thị trường khách du lịch quốc tế trong năm 2023 Cơ hội cho du lịch Việt Nam phục hồi và bứt phá |
Du khách quốc tế tới Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh. |
Dự báo của các công ty lữ hành, sau những tháng cao điểm của mùa du lịch hè, từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 4 năm sau sẽ là thời điểm “vàng” đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Nhiều cơ hội để bứt phá
Sau một thời gian “đóng băng” rồi phục hồi, có thể thấy, chưa khi nào du lịch Việt Nam lại “rộn ràng” như thời điểm hiện tại. Nhằm đón đầu dòng khách quốc tế, mới đây hàng loạt các sự kiện quảng bá du lịch tại các địa phương đã được triển khai như du lịch xanh, du lịch biển đảo, du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng… với nhiều chương trình, sản phẩm du lịch nổi bật.
Có thể kể đến như chương trình “Hồ và suối đẹp” tại Bình Thuận; các hoạt động ngoài trời hấp dẫn tại TPHCM; tham quan bằng du thuyền ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); du lịch xanh ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La); vẻ đẹp độc đáo của Bàu Trắng (Bình Thuận); Gia Lai - Hòn ngọc của Tây Nguyên...
Không những mang đến cho du khách quốc tế trải nghiệm mới hấp dẫn, ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam còn liên tiếp “ghi điểm” với hàng loạt những đánh giá “có cánh” của các tạp chí du lịch uy tín quốc tế. Đơn cử như, chuyên trang du lịch The Travel của Canada xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới; Tạp chí du lịch Wanderlust của Anh đã đưa 3 di sản của Việt Nam là Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Top các Di sản ấn tượng nhất Đông Nam Á - tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) dẫn đầu danh sách 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới do chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet bình chọn.… Đặc biệt, mới đây công cụ tìm kiếm du lịch Explore Worldwide (Anh) cũng đưa ra phân tích dữ liệu tăng trưởng từ Google, thống kê những điểm đến thịnh hành nhất cho khách đi du lịch một mình và Hà Nội đứng đầu danh sách này, bên cạnh TPHCM xếp vị trí thứ 6.
Chưa hết, mới đây một trong những “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam là chính sách visa cũng đã được tháo gỡ. Cụ thể, từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử (E-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày; công dân một số quốc gia được đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày). Động thái này được xem là cú hích đối với ngành du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm sắp đến.
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam nhận định, việc Quốc hội thông qua những chính sách thuận lợi hơn về thị thực, nhiều khả năng là ngành du lịch Việt Nam sẽ đón được khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế, tức gấp rưỡi so với kế hoạch đã đặt ra trong năm nay. Khi áp dụng chính sách miễn thị thực có thể thu hút được thêm từ 5 - 25% số lượng khách du lịch quốc tế đến trong năm.
Ngành du lịch đang bước vào cao điểm đón khách quốc tế. Ảnh: Quang Vinh. |
Vượt qua áp lực con số
Giới chuyên gia nhận định, với những tín hiệu tích cực hiện nay, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn trong tầm tay, thậm chí có thể vượt. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng, du lịch Việt Nam cũng đối diện với không ít rào cản, thách thức. Bởi các chính sách visa không phải là điều kiện cốt lõi, mà chỉ là một trong những yếu tố thu hút du khách. Để thu hút khách du lịch quốc tế và giữ chân du khách lưu trú dài ngày tại Việt Nam, đồng thời kích thích họ chi tiêu nhiều hơn, điều quan trọng vẫn là nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ, hạ tầng…
CEO Lux Group Phạm Hà nhận định, ngoài việc nới lỏng chính sách visa của Việt Nam, cũng cần cải thiện hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia và tạo mới thông điệp rõ ràng cho từng thị trường mục tiêu và từng phân khúc. Điều này đòi hỏi sự chuyên môn và chuyên nghiệp, với các đội ngũ chuyên trách và năng lực giao tiếp trong ngôn ngữ của khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Còn theo Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, chúng ta đã có những cơ chế mở cho việc đón khách và thực hiện mục tiêu nhưng cần phải triển khai mở rộng hơn nữa trong vấn đề tạo điều kiện cho khách đến Việt Nam một cách đơn giản nhất. Khi khách đã tới Việt Nam mà vẫn gặp phải nhiều thủ tục khai báo, mất nhiều quy trình gây phiền hà thì du khách sẽ nản. Ông Quỳnh cũng cho rằng, các nước khác tạo điều kiện tốt nhất để khách du lịch mang tiền đến chi tiêu, mang tiền đến đầu tư thì chúng ta hiện tại lại mới chỉ “mở hé cửa”. “Tôi nghĩ rằng cần đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành để có một tiếng nói chung vừa đảm bảo an ninh nhưng thu hút khách tốt nhất. Tạo điều kiện tốt nhất để thu hút du khách và đơn giản hóa mọi vấn đề kiểm soát để tăng hiệu quả khách đến cũng như đạt được mục tiêu đề ra” - ông Quỳnh nói.
Thực tế cho thấy, du lịch Việt Nam trong năm 2023 hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục đón được 8 triệu, thậm chí là 10 triệu đến 12 triệu khách quốc tế. Nhưng để du lịch Việt Nam xứng đáng là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, ngành du lịch vẫn cần phải tiếp tục làm mới mình.
Phải có sự chuyển biến để thích ứng Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng ta cho phép khách du lịch nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày đó thì phải tính xem họ trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thực sự thích thú ở lại? Phải có sự chuyển biến để thích ứng. Để có sự chuyển biến không thể chỉ phụ thuộc vào một bên nào mà phải có sự chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, của chính quyền các cấp và của các doanh nghiệp du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên kết nhiều ngành, nhiều vùng. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên cả nước thì một ngành không thể làm được. Bản thân những người làm du lịch phải đi trước, làm trước để tạo động lực, lan tỏa tất cả các lĩnh vực khác theo chứ không thể bị động ngồi chờ sự chuyển biến từ nơi khác. |
Nguồn:Thời điểm vàng của du lịch