Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường
Giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển xanh bền vững |
Theo thống kê, chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh được thu gom, xử lý đạt khoảng 202.536 tấn/năm, tương đương khoảng 555 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý toàn tỉnh khoảng 94,05%, riêng ở khu vực đô thị, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt khoảng 98%. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Bãi lớn nhất hiện tại là ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) với công suất 200 tấn rác/ngày, tuy nhiên đang ở trong tình trạng quá tải.
Thời gian qua, tỉnh đã đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải rắn, để đảm bảo môi trường cũng như giảm dần tỷ lệ rác thải cần thu gom, xử lý, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn |
Đồng thời, khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn, phù hợp với tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Cùng với những giải pháp từ các sở, ngành, địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả hợp tác quốc tế trong nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ xây dựng quy trình xử lý chất thải phù hợp tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thông qua Trung tâm Vệ sinh môi trường Nhật Bản (JESC).
Với khoản tài trợ gần 6,4 tỷ đồng, dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, thiết lập các quy trình xử lý chôn lấp chất thải rắn thông thường hợp vệ sinh với tác động môi trường tối thiểu, từ phân loại và thu gom đến xử lý cuối cùng tại các bãi chôn lấp; kết quả là bãi chôn lấp theo phương pháp Fukuoka được vận hành và bảo trì đúng quy cách và nhận thức về giảm thiểu chất thải rắn thải hữu cơ của người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ được nâng cao.
Thông qua dự án này, các cán bộ phụ trách và kỹ thuật viên của Sở Xây dựng, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế; Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế và các chuyên gia có liên quan đến việc vận dụng và quản lý duy trì bãi chôn lấp chất thải Hương Bình có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành và quản lý duy trì bãi chôn lấp chất thải Hương Bình đúng cách...
Hiện nay, địa phương này đang tiếp tục triển khai Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) viện trợ được phê duyệt vào đầu năm 2022 với mục đích giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn.
Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1; UBND thành phố Huế đang tích cực phối hợp cùng WWF - Việt Nam để hoàn tất việc điều chỉnh, bổ sung văn kiện trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2. Trong khuôn khổ đó, dự án đã hỗ trợ cho thành phố Huế 468 thùng lưu chứa rác để triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ chính thức phi dự án “Hỗ trợ phát triển giao thông bằng xe điện” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, trị giá 2,3 tỷ đồng.
Cùng với những chiến dịch đạp xe vì môi trường, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiếp nhận dự án phát triển giao thông bằng xe điện. |
Dự án nhằm tạo khung hoạt động thúc đẩy phát triển giao thông điện tại thành phố Huế, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông, thúc đẩy phát triển giao thông xanh, nâng cao nhận thức xã hội đối với giao thông điện, cũng như đưa lại các lợi ích đối với phụ nữ.
Qua đó, hỗ trợ khoản vay ưu đãi để khuyến khích phụ nữ chuyển sang phương thức giao thông sạch hơn, phương tiện có mức phát thải khí nhà kính thấp hơn và thí điểm chính sách hỗ trợ tại chính trong việc thúc đẩy phát triển phương tiện điện.
Hỗ trợ để tạo nên hệ sinh thái xe điện tại thành phố Huế, nâng cao nhận thức và mức độ chấp nhận của người dân đối với giao thông điện, cùng với việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với phương thức giao thông thuận tiện hơn và đưa đến các cơ hội cải thiện cuộc sống. Hỗ trợ để thúc đẩy đạt mục tiêu hướng tới phát triển thành phố Huế trở thành thành phố xanh, thân thiện với môi trường và đáng sống.
Nguồn: Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường