Thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần giảm thiểu rác thải nhựa
Kết quả khảo sát của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác thực hiện cho thấy, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi nilon/năm. Trong đó có 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí. Trung bình mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nilon/ngày, khoảng từ 70 đến 2.800 túi. Đáng chú ý hơn, theo số liệu từ Bộ Công Thương, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp lễ Tết, đầu năm thường có xu hướng tăng 15-30% song song với việc gia tăng số lượng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trước thực trạng trên, Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon (với sự tham gia của 16 nhà bán lẻ) đã được thành lập năm 2021 trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu và Chính phủ Liên bang Đức tài trợ, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội và các đối tác thực hiện.
Quyết tâm ngăn chặn tình trạng “ô nhiễm trắng” do chất thải nhựa và túi nilon gây ra, trong những năm qua, Chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt, nhất là cơ chế ưu đãi đối với việc thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường các sản phẩm từ nhựa, nilon từ khi xuất hiện đã mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, do đặc tính khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như các chính sách ưu đãi sản xuất túi nilon thân thiện môi trường và các sản phẩm thay thế khác Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định điều khoản riêng về chất thải nhựa. Cụ thể, theo Điều 73, các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của luật.
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng đã xác định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế rác thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu đề ra tại đề án trên (như phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần), theo ông Thắng, việc quan trọng nhất vẫn cần phải đi từ ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp.
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, triển khai các hoạt động nghiên cứu áp dụng các giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam. Thực tế tại nhiều siêu thị hiện nay cho thấy các sản phẩm dùng một lần (như bát, đĩa, khay, cốc) được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…); màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước đã được sử dụng khá phổ biến.
Nước ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, cùng với đó Việt Nam đã xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững và được hiện thực hoá một cách rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường, Tuy nhiên, để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, các chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Việt Nam cần khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước. Để giảm rác thải nhựa, cần có giải pháp hành động không chỉ cần ở mặt chính sách của nhà nước, mà quan trọng hơn là cần có cả sự tham gia nỗ lực thay đổi từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là các siêu thị bán lẻ, nơi tiêu thụ một lượng lớn túi nilon mỗi ngày. Bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm của tiêu dùng trong việc tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần đúng cách cũng vô cùng lớn trong công cuộc giảm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, Việt Nam nên hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Tăng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, có hàm lượng tái chế tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước.
Nguồn: Thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần giảm thiểu rác thải nhựa