Thương hiệu - Tài sản quan trọng trong thời hội nhập
Thời của những thương hiệu đến từ sự công nhận của khách hàng
Nhớ lại câu chuyện của những năm cuối của thế kỷ 20, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều tập trung đầu tư cho chất lượng, dịch vụ mà chưa có ý thức về xây dựng thương hiệu.
Đơn cử Công ty Cổ phần Nam Thắng là một doanh nghiệp gia công giày xuất khẩu với 2.000 công nhân. Tập trung cho quy trình sản xuất, kỷ luật lao động, Nam Thắng luôn đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các đơn hàng. Điều này đã giúp tạo nên sự khác biệt cho Nam Thắng với các doanh nghiệp gia công giày khi đó. Thậm chí, các doanh nghiệp trong ngành còn gọi Nam Thắng là “lính cứu hỏa” vì luôn giúp đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp khác hoàn thành đúng hạn các đơn hàng mà họ đã nhận nhưng không thể làm kịp để giao hàng đúng hạn.
Với văn hóa làm việc đề cao hiệu quả đến cùng dựa trên tinh thần trách nhiệm chủ động của mỗi người lao động, khi chuyển sang phát triển các khu công nghiệp dưới thương hiệu VID Group, doanh nghiệp cũng đạt được nhiều thành công. Doanh nghiệp từng được cộng đồng mệnh danh là “bà đỡ của các khu công nghiệp” khi liên tiếp phát triển thành công các dự án ở khu vực phía Bắc, thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư sản xuất kinh doanh.
Một góc KCN Quang Minh thuộc ROX iPark (tiền thân là VID Group – đơn vị được mệnh danh là bà đỡ của các KCN ) |
Thời điểm đó, “thương hiệu” được hiểu như một sự công nhận của khách hàng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Không ít doanh nghiệp Việt cũng trải qua những giai đoạn làm thương hiệu một cách bản năng như thế.
Trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, thương hiệu không chỉ là uy tín mà còn là tài sản của doanh nghiệp.
Góc nhìn mới về thương hiệu trong môi trường kinh doanh hiện đại
Khoa học về marketing đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp định giá thương hiệu. Song hầu hết đều dựa trên tham số chủ đạo là dòng tiền kiếm được trong tương lai của công ty. Bằng việc định giá thương hiệu, người đứng đầu doanh nghiệp, nhà quản trị có cơ sở để quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu, khẳng định vị trí trên thị trường, đầu tư mở rộng hay mua bán thương hiệu.
Brand Finance - hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược mới đây đã công bố Việt Nam tiếp tục tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu. Theo đó, năm 2023, giá trị thương hiệu của Việt Nam đạt 498,13 tỉ USD, xếp thứ 33/121 quốc gia. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục tăng thêm một thứ bậc so với năm 2022 và tăng giá trị thương hiệu thêm 250 tỉ USD sau 5 năm (năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỉ USD).
Như vậy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.
Cũng theo nhận định của Brand Finance, Việt Nam được tiếp tục đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 là 102%.
Sau hơn 2 thập kỷ, các đoanh nghiệp đã có cái nhìn và sự đầu tư đáng kể cho thương hiệu. Thị trường đã không ít lần được chứng kiến những cuộc “thay tên đổi họ” tiêu hao biết bao tiền của và chất xám của các doanh nghiệp như Facebook (thành Metaverse), Google (thành Alphabet), Vincom (thành Vingroup), Kinh Đô (thành KIDO), Vinagame (thành VNG),… Mới đây nhất, Tập đoàn TNG Holdings Vietnam cũng thực hiện chiến lược tái định vị thương hiệu thành ROX Group. Theo đại diện doanh nghiệp, việc tái định vị thương hiệu là do tên TNG không đăng ký được bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực chính mà Tập đoàn đang đầu tư kể cả trong nước và quốc tế và điều đó sẽ cản trở những chiến lược phát triển mới của Tập đoàn.
Thông qua các chương trình hợp tác, phát triển, đầu tư với các đối tác nước ngoài, ROX Group sẽ mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế |
Được biết, ROX Group sẽ mở rộng hoạt động ra nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác, phát triển, đầu tư với các đối tác nước ngoài. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến lược, tài sản thương hiệu của doanh nghiệp này dự kiến sẽ có tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.
McKinsey dự báo đến năm 2025, thị trường Việt Nam sẽ nổi lên khoảng 12 lĩnh vực kinh tế tạo nên hệ sinh thái lớn từ các doanh nghiệp đa ngành với tổng doanh thu ước tính khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD). Và thương hiệu góp phần đáng kể vào thành công của các doanh nghiệp trên hành trình chinh phục mức doanh thu tỷ đô này. Tài sản thương hiệu sẽ được nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư, vun bồi hơn nữa.
Nguồn:Thương hiệu - Tài sản quan trọng trong thời hội nhập