Tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268.000ha, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 217.326,7ha, trong đó diện tích rừng 177.058,08ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,8%. Nằm ở thượng nguồn sông Đà; khu vực đầu nguồn, cung cấp nước cho 3 thủy điện lớn: Hoà Bình, Sơn La và Lai Châu; Mường Tè xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 3/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Kế hoạch số 59-KH/HU, ngày 20/5/2021, Kế hoạch số 1362/KH-UBND, ngày 26/7/2021 xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện.
Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cụ thể hóa nghị quyết, đồng thời xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Quan tâm lãnh đạo công tác sơ, tổng kết, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác bảo vệ và phát triển rừng, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp.
Người dân xã Mù Cả phát dọn thực bì, bảo vệ rừng. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Mường Tè có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh, đạt 66,8%, đặc biệt trên địa bàn huyện có những khu rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh. Với những tiềm năng, thế mạnh về rừng, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, mỗi năm tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện trồng cây gỗ lớn, trồng quế, rừng phòng hộ từ 500 - 600ha, hằng năm tỷ lệ trồng rừng mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hiện, đang có 3 đơn vị doanh nghiệp vào khảo sát trồng cây gỗ lớn trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện quyết tâm bảo vệ diện tích rừng hiện có, đảm bảo các nguồn sinh thuỷ cho các công trình thuỷ điện lớn trên dòng sông Đà. Tin rằng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, những cánh rừng của huyện sẽ ngày một phát triển, màu xanh của rừng không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bầu không khí trong lành, bảo vệ môi trường sống mà còn tạo nguồn sinh kế bền vững cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày một khởi sắc”.
Được hưởng lợi từ chi trả DVMTR, người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia bảo vệ, tái sinh rừng. Nhờ đó, những cánh rừng hồi sinh, phát triển xanh tốt; tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng làm nương giảm rõ rệt. Điển hình như xã Mù Cả có tổng diện tích rừng tự nhiên 38.404,34ha, trong đó diện tích chi trả DVMTR 28.207,548ha, giao khoán và bảo vệ cho 590 hộ dân. Số tiền được chi trả DVMTR năm 2022 gần 30,8 tỷ đồng, bình quân từ 37 - 40 triệu đồng/hộ/năm. Với số tiền được nhận hằng năm, người dân sử dụng tái đầu tư cây, con giống phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Lỳ Xì Hừ - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tó Khò (xã Mù Cả) chia sẻ: “Được cán bộ xã cùng kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, triển khai chi trả DVMTR, dân bản không chặt phá rừng làm nương; tích cực bảo vệ, PCCCR. Bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác, trực 24/24 giờ vào thời điểm mùa khô. Nhờ rừng, gia đình tôi và bà con có nguồn thu ổn định, cuộc sống ấm no, ý thức bảo vệ rừng ngày một nâng cao”.
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn huyện nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng; công tác tuần tra, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Qua đó, giúp những cánh rừng của Mường Tè thêm xanh, đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Nguồn: Tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng