Tiềm lực và vị thế
WB: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi Kinh tế Việt Nam đã quay lại xu thế tăng trưởng |
Vị thế của một quốc gia không phải tự nhiên mà có. Vị thế đó được xây dựng và bồi đắp qua bao biến thiên của lịch sử. Từ thuở hơn 4.000 năm trước, các Vua Hùng bắt đầu dựng nước, đến dằng dặc những năm tháng kháng chiến oai hùng, ban đầu là giành Độc lập, sau đó là chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông gấm vóc về một mối, liền một dải…
Vị thế ấy càng lớn hơn, cao hơn qua gần 40 năm Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc Đổi mới. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã bước ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp để tự hào đứng trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Quy mô nền kinh tế đã đạt trên 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiến lược hội nhập toàn diện và sâu rộng cũng đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, đứng trong top 20 nền kinh tế thành công nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam cũng đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái, cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản - những cường quốc hàng đầu thế giới - đều đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Nếu không đủ tiềm lực và vị thế, ai sẵn sàng bắt tay để hợp tác chiến lược và toàn diện? Nhiều tổ chức quốc tế uy tín cũng đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022…
Vị thế và uy tín quốc tế đó, không chỉ là niềm tự hào lớn lao, mà còn hun đúc sức mạnh tổng hợp của dân tộc, tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục đi tới thịnh vượng với các dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước: 2030 và 2045.
Chặng đường này là khó khăn vô cùng, khi thế giới đang đối diện với những cuộc xung đột chính trị ở nhiều khu vực. Sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu, cộng thêm những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, cũng đang khiến kinh tế Việt Nam đứng trước những rủi ro khó lường. Nhưng hành trình xây dựng và bồi đắp vị thế Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cho thấy, dưới ngọn cờ của Đảng và nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc, không khó khăn, trở ngại nào có thể cản bước tiến của đất nước con Rồng, cháu Tiên. Một đất nước Việt Nam tự do, hạnh phúc, luôn nuôi khát vọng phồn vinh, cường thịnh, sẽ biết cách và luôn nỗ lực vượt thử thách để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.
Huống chi, hiện là thời cơ và vận hội lớn để Việt Nam bứt tốc, vươn lên. Thế giới xem Việt Nam như một hình mẫu trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Việt Nam là tâm điểm của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, có cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành mang tính xương sống của kinh tế thế giới, như bán dẫn, AI…
Nhận rõ thời cơ và thuận lợi đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang có nhiều chiến lược và sách lược quan trọng để hiện thực hóa vận hội lớn của dân tộc. Chiến lược phát triển ngành bán dẫn là một ví dụ. Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM cũng là một dấu ấn quan trọng.
49 năm trước, “Hòn ngọc Viễn Đông” - TP.HCM đã cùng cả dân tộc hòa ý chí đưa Việt Nam tiến lên độc lập, tự do, hạnh phúc. Giờ đây, đầu tàu kinh tế của cả nước lại tiếp tục giữ trọng trách cùng đưa đất nước phát triển đột phá để sớm hiện thực hóa mục tiêu phồn vinh, cường thịnh.
Vẫn biết chặng đường phía trước còn lắm chông gai, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm, bằng tinh thần đoàn kết và ý chí một lòng, thế và vận nước sẽ tiếp tục đi lên. Một tương lai rực rỡ của các dấu mốc 2030 và 2045 đang chờ tất cả chúng ta!
Nguồn:Tiềm lực và vị thế