Tiền Giang: Để cái nghèo không quay trở lại
Tiền Giang: Hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP Tiền Giang: Điều chỉnh chủ trương Dự án Cầu Rạch Miễu 2 |
NÂNG CAO Ý THỨC TỰ LỰC VƯƠN LÊN
Chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là việc làm được TP. Mỹ Tho quan tâm thực hiện thường xuyên. |
Toàn thành phố hiện có 660 hộ nghèo và 1.117 hộ cận nghèo. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững TP. Mỹ Tho xác định công tác giảm nghèo bền vững là vì các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ban chỉ đạo đã triển khai, quán triệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố và các phường, xã nhằm mục đích tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo bằng nhiều hình thức da dạng, phong phú để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Qua công tác tuyên truyền, vận động về giảm nghèo, nhận thức của nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp, từ đó giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên các hộ nghèo vươn lên để giảm được nghèo, một số hộ nghèo trở nên thành hộ khá, hộ giàu.
Song song đó, thành phố thực hiện lồng ghép các chương trình dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để hỗ trợ hộ nghèo có việc làm với thu nhập ngày càng tăng để thoát nghèo và nâng cao thu nhập.
“BỨC TRANH” HỘ NGHÈO
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn
2016 - 2020, toàn thành phố có 690 hộ nghèo, chiếm 0,96% và 1.292 hộ cận nghèo, chiếm 1,79% tổng số hộ dân toàn thành phố. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 660 hộ nghèo, chiếm 0,91% và 1.117 hộ cận nghèo, chiếm 1,54%. Trong số này có 216 hộ nghèo và 164 hộ cận nghèo có nguyên nhân từ việc không còn khả năng lao động.
Kết quả đo lường về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho thấy, về việc làm, có 409 hộ thiếu hụt việc làm, chiếm 61,97% so với tổng số hộ nghèo của thành phố; 270 hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%, chiếm 40,91% so với tổng số hộ nghèo của thành phố.
Về y tế, 21 hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi, chiếm 3,18% so với tổng số hộ nghèo của thành phố; 660 hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế, chiếm 100% so với tổng số hộ nghèo của thành phố. Về giáo dục, trình độ giáo dục của người lớn, có 128 hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng, chiếm 19,39% so với tổng số hộ nghèo của thành phố.
Tình trạng đi học của trẻ em, có 17 hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi, chiếm 2,57% so với tổng số hộ nghèo của thành phố.
Về nhà ở, số hộ gia đình thiếu hụt tiếp cận về chất lượng nhà, có 22,42% hộ nghèo đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ và gần 21% có nhà ở chật hẹp. Về thông tin, có 51,36% số hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận về “Sử dụng dịch vụ viễn thông” và 15,45% hộ thiếu hụt tiếp cận về “Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin”.
NỖ LỰC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Trên cơ sở rà soát, thành phố xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ để có hỗ trợ phù hợp, từ đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, không còn xảy ra trường hợp tái nghèo.
Đồng thời, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thúc đẩy các hộ nghèo còn lại ý thức và tự lực vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng các hộ nghèo còn chờ vào các chế độ của Nhà nước đối với hộ nghèo.
Cùng với đó là thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển kinh tế, nhằm ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đầu giai đoạn đến nay, toàn thành phố có 734 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm 1,02% và 1.267 hộ cận nghèo, chiếm 1,76%. Như vậy đến tháng 6-2023, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,91%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,03% đến 0,05% hộ nghèo.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố có 16/122 ấp, khu phố không còn hộ nghèo và có 1 phường không còn hộ nghèo là phường 9 (sau khi đã trừ hộ nghèo không còn khả năng lao động). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí dưới 4% theo tiêu chí nông thôn mới đến nay các xã đều đã đạt.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đổi mới cách thức tiếp cận đơn chiều sang đa chiều đã phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đồng thời, phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn, từ đó các hộ thoát nghèo một cách bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.
Nguồn: Để cái nghèo không quay trở lại