Tiền Giang: Hiệu quả mô hình trồng thanh long trong vùng hạn, mặn
Ủ phân hữu cơ vi sinh tại chỗ từ phân bò bằng cành thanh long thải bỏ. |
Vườn mô hình được trồng và nghiên cứu từ tháng 9-2019 trên diện tích 2.000 m2 tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông. Vườn thanh long áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như trồng giàn theo kiểu T-bar, tưới phun mưa, tưới béc phun tưới gốc bù áp kết hợp bón phân, tưới xả đầu trụ bù áp kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, mô hình sử dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh tại chỗ bằng cách thu gom cành thanh long thải bỏ trong vườn, băm nhỏ, sử dụng vi sinh Bacillus subtilis (VL33) + 1 lít chế phẩm vi sinh Biotech cho 100 kg cành nhánh thanh long tươi sau đó phối trộn ủ với phân chuồng (phân bò) cho ra sản phẩm phân bón vi sinh tại chỗ bón cho thanh long với tỷ lệ 2,5 kg/cây.
Theo Tiến sĩ Thủy, mô hình thực hiện tại một xã bãi ngang ven biển của tỉnh với thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, mỗi năm từ 6 đến 9 tháng nước bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trên trong điều kiện hạn, mặn cho hiệu quả rất khả quan.
Theo phân tích thống kê, trong 6 tháng từ tháng 9-2021 đến tháng 2-2022, năng suất thanh long cao hơn khoảng 11,6%, khối lượng trái loại 1 cao hơn khoảng 5% và chất lượng trái thanh long tốt hơn với độ dày vỏ mỏng hơn, độ cứng của trái tốt hơn... so với vườn thanh long ngoài mô hình. “Đây là mô hình có tiềm năng nhân rộng trên các vùng đất của tỉnh có điều kiện hạn, mặn tương tự góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” - Tiến sĩ Thủy cho biết thêm.
Nguồn: Hiệu quả mô hình trồng thanh long trong vùng hạn, mặn