Tiền Giang: Loa thông minh - nâng cao hiệu quả truyền thanh cơ sở
Tiền Giang: Phát huy vai trò của người cao tuổi trong phong trào Tiền Giang: Niềm hy vọng về căn nhà mới |
Có thể nói rằng, hệ thống truyền thanh tại cơ sở là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí khi truyền dẫn, tiếp sóng các đài Trung ương, địa phương để đưa thông tin đến người dân. Trước đây, hệ thống loa của đài truyền thanh cơ sở tại các xã chủ yếu sử dụng dây truyền tải.
Thông qua hệ thống loa, người dân kịp thời nắm bắt những thông tin, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương để triển khai thực hiện kịp thời. Qua đó, người dân tích cực tham gia vào các hoạt động của Đảng bộ, chính quyền cơ sở, địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã được ứng dụng những công nghệ số theo xu hướng chuyển đổi số. Nhiều hệ thống truyền thanh thông minh đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống truyền thanh thông minh đang từng bước thay thế và khắc phục những hạn chế của loa đài truyền thống. Cách thức quản lý và sử dụng hiện đại, đơn giản, hệ thống loa phát thanh không dây đã dần phát huy hiệu quả trong công tác truyền thanh.
Với ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ phụ trách công tác phát thanh cơ sở có thể đảm bảo công tác truyền thông tin theo lập trình có sẵn lưu trên điện thoại thông minh hay máy tính xách tay.
Khảo sát cụm loa thông minh ở xã Long Khánh, TX. Cai Lậy. Ảnh: TUẤN LÂM |
Xã Long Khánh (TX. Cai Lậy) hiện nay có 19 cụm loa truyền thanh thông minh. Dự kiến trong thời gian tới, xã hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nên tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 12 cụm loa nâng tổng số cụm loa truyền thanh thông minh của xã lên 31 cụm trong năm 2023.
Chủ tịch UBND xã Long Khánh Nguyễn Ngọc Kính cho biết: “Các cụm loa được triển khai từ năm 2020 khi xã thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Hệ thống loa truyền thanh thông minh giúp cho công tác tuyên truyền của xã được tập trung hơn. Cụ thể, các loa ở từng ấp sẽ được cài đặt để thông tin về những việc cụ thể của ấp đó giúp cho người dân dễ dàng nắm bắt những công việc sẽ thực hiện”.
Các địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và nâng chất đội ngũ phụ trách truyền thanh cơ sở, nhất là trong thời điểm ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng như hiện nay. Trong đó, huyện Tân Phước hiện tại có 4 trạm truyền thanh thông minh ở các xã Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2, tổng cộng 24 cụm loa với 87 loa đang hoạt động. Đội ngũ cán bộ truyền thanh ở xã liên tục được tập huấn cập nhật những kiến thức mới để vận hành hệ thống loa được tốt nhất.
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Phước Lê Quốc Giang, hệ thống loa truyền thanh thông minh giúp thực hiện tốt công tác quản lý về truyền thanh thông tin, thông tin được thực hiện kịp thời và truyền tải nhanh chóng đến người dân theo từng khu vực cụ thể.
Hằng năm, Phòng luôn theo dõi và tổ chức cho các cán bộ phụ trách truyền thông các xã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức để cập nhật các kiến thức mới về công nghệ thông tin.
Sắp tới, Phòng sẽ phối hợp tổ chức lớp tập huấn viết tin, bài cho cán bộ truyền thanh cơ sở để đảm bảo chất lượng nội dung thông tin, phù hợp với xu thế hiện nay để công tác có thể đạt kết quả tốt nhất.
Việc triển khai hệ thống loa thông minh trong công tác truyền thanh tại địa phương đã cho thấy tính cập nhật của lĩnh vực thông tin tại cơ sở trong “xu hướng 4.0” hiện nay.
Thông tin truyền thanh cơ sở vẫn sẽ là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí và việc ứng dụng công nghệ số vào hệ thống truyền thanh cơ sở để đảm bảo truyền tải thông tin đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong thời đại 4.0 hiện nay.
Nguồn: Tiền Giang: Loa thông minh - nâng cao hiệu quả truyền thanh cơ sở