Tiền Giang: Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
Tiền Giang: Nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể qua nửa nhiệm kỳ Tiền Giang: Lễ Kỳ yên - nét đẹp văn hóa dân gian cần được giữ gìn |
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU TẬP TRUNG
Huyện Châu Thành có thế mạnh phát triển về sản xuất nông nghiệp và đã hình thành 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung gồm: Vùng chuyên canh lúa trên 2.751 ha, vùng chuyên canh cây ăn trái hơn 12.400 ha, vùng chuyên canh rau màu 2.617 ha.
Một số HTX trên địa bàn huyện Châu Thành đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. |
Theo UBND huyện Châu Thành, để đạt chỉ tiêu 6.3, địa phương đang xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện.
Cụ thể, đối với rau màu, bước đầu, huyện đã hình thành được vùng sản xuất rau màu tập trung. Trong thời gian tới, huyện sẽ giữ diện tích canh tác khoảng 2.400 ha. Đồng thời, gia tăng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn; tập trung sản xuất rau theo hướng VietGAP làm nền tảng xây dựng Cánh đồng lớn khi có điều kiện. Đặc biệt, huyện sẽ phấn đấu hình thành chuỗi giá trị trên cây rau màu ở các xã Nhị Bình, Tam Hiệp, Tân Lý Đông... (đầu mối là các HTX dịch vụ nông nghiệp).
Sản xuất cây ăn trái cũng một trong những thế mạnh của huyện Châu Thành. Huyện đang phấn đấu giữ diện tích cây ăn trái trong năm 2023 là 12.453 ha, tổng sản lượng 306.798 tấn.
Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây ăn trái nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các trái cây chủ lực như: Sa pô, sầu riêng, bưởi da xanh…
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, để hoàn thành việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, huyện phấn đấu hoàn thành hồ sơ gửi về tỉnh vào đầu tháng 7-2023 gồm: Báo cáo thuyết minh vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; quy hoạch/kế hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung của địa phương hoặc quyết định phê duyệt của địa phương; các giấy tờ chứng nhận liên quan về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
TẬP TRUNG CỦNG CỐ, NÂNG CHẤT CÁC HTX
Song song với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, huyện Châu Thành cũng đang đẩy mạnh củng cố, nâng chất các HTX, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Theo UBND huyện Châu Thành, để duy trì, củng cố, nâng chất HTX hoạt động hiệu quả, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể và hướng dẫn chỉ tiêu 13.1 cho UBND 22 xã và 24 HTX trên địa bàn huyện.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật về Luật HTX năm 2012 cho 6 HTX với 215 lượt người tham dự; tổ chức tập huấn khảo sát, thu thập thông tin HTX, hướng dẫn phần mềm quản lý HTX; tập huấn chuyên đề chuyển đổi số cho HTX trên địa bàn huyện. Một trong những nội dung quan trọng là yêu cầu các HTX tổ chức đại hội thường niên để báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2022 và đề ra phương hướng hoạt động cho năm 2023.
Để giúp các HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, huyện Châu Thành đã chú trọng hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình liên kết. Theo Kế hoạch 372 của UBND tỉnh về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, huyện Châu Thành sẽ thực hiện 15 dự án/kế hoạch.
Đến nay, huyện đã xây dựng 3 dự án liên kết tại các xã Bàn Long, Điềm Hy, Long Định, triển khai thực hiện trong năm 2023. Song song đó, huyện còn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP.
Đến nay, có 22 mô hình đã được cấp giấy chứng nhận. Cùng với đó, công tác xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng được địa phương chú trọng. Đến nay, huyện đã xây dựng được 4 vùng trồng nội địa (2 xã Hữu Đạo, Long An đã có giấy xác nhận mã số vùng trồng); đăng ký 4 vùng trồng xuất khẩu ở xã Phú Phong; có 2 cơ sở đăng ký đóng gói sầu riêng (Thiên Hà, HTX Vĩnh Kim). Trong đó, có 2 HTX điển hình trong thực hiện mô hình liên kết là HTX Vĩnh Kim và HTX Đông Nghi.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, bên cạnh những thuận lợi, hiện các HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực. Cụ thể, một số HTX gặp khó khăn về công tác nhân sự; hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, đang xây dựng mã số vùng trồng tập trung. Đa số HTX có quy mô nhỏ, nguồn vốn của HTX còn hạn chế (khó khăn trong việc đối ứng kinh phí thực hiện dự án liên kết, mô hình liên kết).
Cũng theo đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, để củng cố, nâng chất các HTX trong giai đoạn phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động của HTX.
Đồng thời, hướng dẫn HTX tham gia vào dự án chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây trồng chủ lực của địa phương; hỗ trợ các HTX triển khai thực hiện tốt chính sách đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng cho HTX theo Quyết định 2848 của UBND tỉnh.
Một trong những công việc quan trọng là hỗ trợ tham gia các dự án công nghệ sau thu hoạch hướng đến sản xuất bền vững. Ngoài ra, địa phương sẽ đăng ký với Sở NN&PTNT nhu cầu chi trả lương cho người lao động làm việc ở HTX (đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 12 cán bộ cho 6 HTX trên địa bàn huyện, tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng cho năm 2024 - 2025).
Nguồn: Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới