Tiền Giang: Phát triển hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
MỘT SỐ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHƯA CAO
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2022, toàn tỉnh có 8 xã phấn đấu ra mắt NTM gồm: Hòa Khánh, An Thái Trung (huyện Cái Bè); Tân Hòa Đông, Phước Lập, Tân Lập 1 (huyện Tân Phước); Điềm Hy, Bình Đức (huyện Châu Thành); Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông).
Để đạt được tiêu chí 13, xã phải đạt 5 chỉ tiêu: Xã có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX (13.1); Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững (13.2); Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương (13.3); Có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường (13.4); Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả (13.5).
HTX Cây sả Tân Phú Đông đang được củng cố. |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Văn Lập, qua đánh giá thực trạng chỉ tiêu 13.1, 13.2 tại các xã phấn đấu ra mắt NTM năm 2022, đa phần các xã đều đáp ứng được yêu cầu nội dung của chỉ tiêu như: Có HTX hoạt động đúng Luật HTX 2012; có ít nhất 1 loại hình dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ thành viên; kinh doanh có lãi liên tục 2 năm tài chính gần nhất, trong đó lợi nhuận và lợi ích mang lại cho thành viên tăng qua các năm; đáp ứng quy mô thành viên; có hợp đồng tiêu thụ ổn định 2 chu kỳ sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn có một số HTX hoạt động mang lại hiệu quả chưa cao, doanh thu, lợi nhuận thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Cụ thể, quy mô thành viên ít, không nhân rộng; hợp đồng liên kết tiêu thụ chưa bền vững, mang tính đối phó, sản lượng ký kết tiêu thụ không nhiều so với quy mô thành viên HTX.
Qua kết quả rà soát, Chi cục Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX như: Tổ chức tập huấn tuyên truyền để mở rộng thành viên cho HTX; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên chủ chốt của HTX; tổ chức các cuộc kết nối tiêu thụ nhằm tìm đầu ra ổn định cho HTX... nhằm giúp các xã đạt chỉ tiêu 13.1, 13.2, phấn đấu đến cuối năm 2022 các xã đều ra mắt NTM theo kế hoạch.
HỖ TRỢ XÂY DỰNG CHUỖI LIÊN KẾT
Trên thực tế, Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã nhấn mạnh vai trò của HTX. HTX đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là phát triển HTX gắn với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, theo đồng chí Võ Văn Lập, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở HTX, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho HTX.
Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới (5 HTX được phê duyệt tại Quyết định 3802 ngày 30-12-2021 của UBND tỉnh).
Một trong những nội dung trọng tâm trong thời gian tới là phát triển các mô hình HTX liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP trên cơ sở triển khai Kế hoạch 372 ngày 10-12-2021 của UBND tỉnh về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo đồng chí Võ Văn Lập, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ lồng ghép thực hiện hỗ trợ HTX trong triển khai thực hiện các chính sách của ngành như: Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ sản xuất an toàn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ số trong quản lý điều hành vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kết, liên doanh trong sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Tiền Giang: Phát triển hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm