Tiền Giang: Quỹ Hỗ trợ nông dân - điểm tựa thoát nghèo
Tiền Giang: Hồn quê - Tác phẩm tranh xuất sắc làm từ bẹ chuối Tiền Giang: Huyện Gò Công Đông đánh thức tiềm năng du lịch |
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Những năm qua, công tác tuyên truyền về Quỹ Hỗ trợ nông dân ngày càng được các cấp Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng. Qua đó góp phần tạo lòng tin, thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia hoạt động Hội và phong trào nông dân ở địa phương.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang thường xuyên quan tâm hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân yên tâm phát triển mô hình từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. |
Để nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến đúng đối tượng, đảm bảo khả năng thu hồi nguồn vốn hiệu quả, các cấp Hội Nông dân thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá quá trình sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cùng với hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm để nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật kịp thời, nhằm tăng năng suất và đảm bảo duy trì mô hình sản xuất ổn định.
Chợ Gạo với đặc thù là huyện nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, phần lớn trồng hoa màu, cây ăn trái, một số xã chuyên canh trồng thanh long, bưởi, dừa… Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng gia tăng qua hằng năm, trong đó có mô hình nuôi bò sinh sản do Hội Nông dân huyện tổ chức thực hiện từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Vẹn cho biết, năm 2021, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ cho 1.076 hộ vay, với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng để hội viên, nông dân đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, huyện còn được trung ương, tỉnh và UBND huyện ủy thác cho 5 dự án chăn nuôi bò cho 112 hộ tại 5 xã: Phú Kiết, An Thạnh Thủy, Song Bình, Hòa Định, Bình Phục Nhứt vay trên 2,2 tỷ đồng.
“Để nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản, hỗ trợ hội viên, nông dân ổn định sản xuất vươn lên làm giàu, năm 2022, Hội Nông dân huyện tiếp tục sử dụng nguồn dự án vay ủy thác hỗ trợ cho 82 hộ tại 6 xã: Lương Hòa Lạc, Thanh Bình, Hòa Định, Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Bình Phục Nhứt với số vốn trên 2,7 tỷ đồng. Nhìn chung, các dự án chăn nuôi bò đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ sản xuất có lãi”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Vẹn cho biết thêm.
Gia đình chị Trương Thị Kiều Nguyên (ấp Vĩnh Phước, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) là một trong số hộ được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trước đây, gia đình chị Nguyên chăn nuôi heo và vịt cho thu nhập tương đối khá nhưng rủi ro cao bởi dịch bệnh khó phòng tránh, dẫn đến nhiều lần thua lỗ. Đầu năm 2022, nhờ dự án cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình chị Nguyên có điều kiện chuyển sang nuôi bò sinh sản.
Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản của chị Nguyên đã vào thời kỳ cho năng xuất, với nguồn con giống từ mô hình đã giúp gia đình chị ổn định nguồn con giống, yên tâm phát triển mô hình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Chị Nguyên cho biết: “Từ khi được Hội Nông dân xã Đăng Hưng Phước giới thiệu tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, vấn đề khó khăn trong chọn con giống đã được khắc phục, kỹ thuật chăn nuôi ngày càng thuần thục. Tôi đã rất yên tâm khi vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho biết, trong năm 2022, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tăng gần 6,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách cấp tỉnh tăng 2 tỷ đồng; cấp huyện và cơ sở tăng hơn 1 tỷ đồng; nguồn vận động tăng hơn 3,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn quỹ trong toàn tỉnh tính đến cuối năm 2022 đạt trên 82 tỷ đồng.
Trong năm 2022, từ nguồn vốn trung ương và của tỉnh, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư 52 dự án, cho hơn 10.400 hộ vay với số tiền hơn 74 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các dự án đầu tư cho trồng trọt và chăm sóc vườn (sầu riêng, mãng cầu Xiêm…) chiếm khoảng 39%, còn lại chủ yếu là các dự án chăn nuôi (bò, dê, heo sinh sản…) chiếm khoảng 61%.
“Việc vay vốn thực hiện dự án đã tạo niềm tin cho cán bộ, hội viên, nông dân, thu hút nhiều hội viên tham gia. Định kỳ hằng tháng, Ban Quản lý các dự án duy trì sinh hoạt để các hộ vay trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm...”, đồng chí Phạm Văn Toàn cho biết thêm.
TIẾP TỤC HOÀN THIỆN
Có thể thấy, Quỹ Hỗ trợ nông dân được quản lý, sử dụng đúng pháp luật. Nguồn vốn được hỗ trợ cho hội viên, nông dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả về kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân, có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các chương trình xóa khó giảm nghèo, tạo việc làm, giảm các tệ nạn xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại lợi ích chính đáng thiết thực cho hội viên, nông dân. Từ đó, công tác vận động nông dân vào tổ chức Hội ngày càng hiệu quả.
Tuy nhiên, một số nơi chưa thể hiện được vai trò của Quỹ Hỗ trợ nông dân; chưa làm rõ tính đặc thù của Quỹ Hỗ trợ nông dân khác với tín dụng của ngân hàng thương mại. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân là hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, tuy nhiên chưa tác động để các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lực để Hội Nông dân nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.
Việc cho vay xoay vòng vốn còn gặp trở ngại, do một số địa phương chậm thu hồi vốn khi đến hạn nên không thể giải ngân dự án mới. Vẫn còn tình trạng hộ vay trả vốn nhỏ lẻ khi dự án chưa hết chu kỳ vay vốn. Nhiều nơi chưa chú trọng phối hợp tập huấn khoa học - kỹ thuật cho hộ vay trước khi nhận vốn; chưa quan tâm công tác sơ, tổng kết mô hình dự án, nên việc nhân rộng các mô hình hiệu quả thực hiện còn chậm...
Đồng chí Phạm Văn Toàn cho biết, giải pháp hiện nay của các cấp Hội Nông dân tỉnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo điều kiện, sự đồng thuận ủng hộ xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Các cấp Hội chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn, nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm ở địa phương. Xây dựng kế hoạch thu hồi, cho vay, luân chuyển vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng quy định; chú trọng lựa chọn xây dựng các mô hình dự án trọng điểm, mô hình phù hợp với lợi thế của địa phương, ưu tiên dự án có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết hợp tác phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người vay. Lồng ghép hoạt động vay vốn với tư vấn, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp hộ vay phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Các cấp Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và công tác ủy thác các ngân hàng, kiểm tra các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, việc sử dụng vốn của hộ vay; qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, xử lý những vi phạm nếu có...
Nguồn: Quỹ Hỗ trợ nông dân - điểm tựa thoát nghèo