Tiền Giang: Sáng chế thiết bị lột vỏ trái dừa khô tiện dụng
Tiền Giang: Nhiều loại nông sản giá thấp Tiền Giang: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người |
Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, thời gian gần đây, dừa uống nước giá không ổn định, nhất là những tháng mùa mưa, dừa rớt giá mạnh, thậm chí khó tiêu thụ. Từ đó, anh chuyển sang trồng giống dừa Xiêm trái lớn (dừa bị) để bán trái khô. Tuy nhiên, thương lái hoặc một số điểm thu mua dừa khô tại địa phương yêu cầu người bán phải lột sạch vỏ mới mua.
“Ì ạch lột vỏ một trái dừa cũng mất khoảng 5 - 6 phút, nhưng phải là người có sức, mạnh tay, chứ không thì thời gian thao tác còn lâu hơn nữa” - anh Mạnh cho biết. Từ đó, anh Mạnh nảy sinh ý tưởng sáng tạo ra thiết bị thay thế nhằm đỡ hao tốn sức lực khi thao tác cũng như giúp tiết kiệm thời gian. Qua nghiên cứu, tham khảo các mô hình máy lột vỏ dừa hiện có cũng như trên Internet, anh Mạnh đã mày mò, sáng tạo ra thiết bị lột vỏ trái dừa khô có cấu tạo đơn giản nhưng vận hành khá hiệu quả.
Thiết bị này có cấu tạo gồm: Khung thép (sử dung thép V5) cao khoảng 70 cm, hệ thống truyền động gồm mô tơ 750 W (tua chậm 1.400 vòng/phút); hộp giảm tốc; hệ thống nhông, xích; 2 trục bóc tách vỏ; cần ép và xoay trái dừa (quanh trục bóc vỏ); công tắc điều khiển 2 chiều…
Trong đó, anh Mạnh tận dụng các dụng cụ, thiết bị sẵn có hoặc đã qua sử dụng nên chi phí nghiên cứu, sáng tạo ra thiết bị được tiết kiệm tối đa. Đặc biệt, đối với trục bóc vỏ, anh sử dụng 2 ống thép tròn (đường kính 76 mm), hàn các thanh thép lá (ngang 3 mm, cao 10 mm); trong đó, một trục hàn 10 thanh, trục kia hàn 5 thanh để tạo thành gân chịu lực xen kẽ giúp cho việc bóc, tách vỏ dừa được nhanh chóng, thuận lợi.
Về vận hành, sau khi khởi động, đặt trái dừa vào giữa 2 trục lăn, một tay đè cần ép, tay còn lại quay cần để dừa xoay theo chiều quay của trục bóc vỏ giúp cho vỏ dừa được bóc, tách một cách dễ dàng. Để tăng cường lực ép của 2 trục bóc vỏ theo nguyên tắc số mạnh (vòng quay chậm, lực ép mạnh), hệ thống truyền động từ mô tơ (qua hộp giảm tốc, hệ thống nhông, xích) đến 2 trục được anh Mạnh thiết kế với tỷ số truyền là 1/60 (mô tơ quay 60 vòng kéo hộp giảm tốc và 2 trục quay 1 vòng).
Ngoài ra, anh sử dụng công tắc điều khiển dùng cho máy tiện được thiết kế tiếp điểm đảo chiều để phòng khi dừa bị kẹt giữa 2 trục hoặc có sự cố bất ngờ, người vận hành bật công tắc theo chiều ngược lại giúp kịp thời khắc phục sự cố. Việc sáng tạo ra thiết bị này đã giúp anh Mạnh tiết kiệm đáng kể thời gian so với lột vỏ dừa bằng tay như trước đây (thời gian giảm hơn 1/5 lần).
Hiện tại, anh Nguyễn Văn Mạnh đang hoàn chỉnh thiết bị trên và gửi hồ sơ tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023).
Nguồn: Sáng chế thiết bị lột vỏ trái dừa khô tiện dụng