Tiền Giang: Xã Long Hưng khởi sắc đi lên từ gian khó
ANH DŨNG TRONG KHÁNG CHIẾN
Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng, đầu tháng 6-1966, Mỹ bắt đầu xây dựng căn cứ Đồng Tâm, đến hết tháng 12-1966 thì cơ bản hoàn thành với diện tích 640 ha. Trên địa bàn xã Long Hưng, căn cứ nằm trên 2 ấp Long Thới và Long Bình B khoảng 200 ha. Căn cứ sau khi hoàn thành tạo ra khó khăn mới cho quân và dân huyện Châu Thành, nhất là các xã vành đai trực tiếp đương đầu với Mỹ như Bình Đức, Long Hưng, Song Thuận, Thạnh Phú, Vĩnh Kim.
Cầu Long Hưng bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho xã Long Hưng. |
Trong bối cảnh như thế, cùng nhân dân bám trụ ở khu vực vành đai, Đảng bộ xã Long Hưng cùng với các lực lượng và nhân dân của xã đã lập nhiều chiến công. Hưởng ứng phong trào thi đua diệt Mỹ và đăng ký đi vành đai do Huyện ủy Châu Thành phát động, du kích xã Long Hưng, Thạnh Phú, Vĩnh Kim phối hợp với Đại đội 2, Tiểu đoàn 514, tiêu diệt 2 đại đội bảo an càn quét tại Vĩnh Kim và Long Hưng.
Liên tiếp trong tháng 9-1966, du kích Long Hưng chặn đánh đại đội 403 của Chi khu Vĩnh Kim, diệt 2 tiểu đội chống càn và đánh bót diệt hàng chục tên địch. Khoảng tháng 8-1966 âm lịch, du kích xã Long Hưng đã đánh pháo 105 ly tại vuông Hai Giáo (ấp Long Thới) làm chết nhiều lính Mỹ. Ngày 14-2-1967, đồng chí Trần Thanh, Xã đội trưởng, chỉ huy đội du kích phục kích lính Mỹ và Sư đoàn 7 ngụy đi càn, tiêu diệt 2 tên Mỹ. Giai đoạn này có nhiều gương “Dũng sĩ diệt Mỹ” như đồng chí Nguyễn Văn Tẩu (Bảy Tẩu) ở ấp Long Bình A đã có thành tích diệt được 72 tên Mỹ.
Nhiều du kích trẻ 14, 15 tuổi cũng tham gia đánh đồn. Đặc biệt, du kích trẻ tuổi của xã Long Hưng là Hồ Văn Nhánh dù mới 16 tuổi đã trên 130 lần vào căn cứ Mỹ gỡ 4.500 quả đạn các loại và hướng dẫn cho du kích và bộ đội gỡ 1.000 quả, phục vụ bộ đội tác chiến trên 30 trận, diệt 130 tên Mỹ và hàng trăm tên ngụy. Hồ Văn Nhánh đã anh dũng hy sinh trong một lần gỡ mìn và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6-11-1978.
Trong chiến đấu, Đảng bộ và các lực lượng của xã Long Hưng đã nhận được sự hỗ trợ, che chở của nhân dân. Địa bàn xã bị Mỹ bắn phá suốt ngày đêm, vườn tược, nhà cửa của nhân dân bị tàn phá. Người dân dù phải tản cư ra đồng, ven vườn, đồng trống hoặc đến các xã lân cận như Vĩnh Kim, Long Định nhưng vẫn về địa bàn để làm ruộng đóng góp nuôi quân.
Nhân dân đã cùng với du kích tham gia đánh địch, người tham gia vót chông, người đi gài lựu đạn. Gia đình các ông Lê Văn Kịch, Ba Chương lập hàng rào chiến đấu ngăn chặn địch càn quét và đào hầm che giấu cán bộ. Hay như ông Bảy ở xóm Tràm tổ chức gài mìn làm bị thương 15 tên địch. Nhân dân còn tham gia phong trào thi đua diệt Mỹ bằng vũ khí tự tạo góp phần tạo nên vành đai nhân dân diệt Mỹ.
Những chiến công của Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng ở Vành đai Bình Đức đã đóng góp chung vào sự thành công của kháng chiến chống Mỹ với Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975.
VƯỢT KHÓ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Chiến tranh đã lùi xa, 48 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng tiếp nối truyền thống anh hùng, không ngại khó của các thế hệ cha anh trong xây dựng quê hương. Được sự đầu tư, quan tâm của Tỉnh ủy, Huyện ủy Châu Thành, xã Long Hưng đã hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2020.
Hôm nay về lại Long Hưng, chúng tôi không nhận ra vùng đất Vành đai Bình Đức khó khăn ác liệt ngày nào. Qua phong trào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Long Hưng nay đã có nhiều thay đổi với 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, 100% tuyến đường ấp, liên ấp được cứng hóa, 100% tuyến đường ngõ, xóm đảm bảo đi lại thuận tiện. Hiện nay. toàn xã có 100% hộ sử dụng điện, trong đó 100% hộ sử dụng điện kế chính. Có 100% hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để người dân xã Long Hưng phát triển kinh tế. Về sản xuất nông nghiệp, toàn xã có tổng cộng 5 ha trồng rau màu, sản lượng thu hoạch 20 tấn/ha (đạt 100% so Nghị quyết). Diện tích vườn cây ăn trái hiện có 728 ha (đạt 97,21% so Nghị quyết) với các loại cây như dừa, mít, sa pô, vú sữa, bưởi… mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân. Trong đó, nhiều nông dân đã chủ động ứng dụng mô hình sản xuất mới như mô hình trồng dưa lưới của ông Trần Văn Dũng ở ấp Nam. Ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích 3.000 m2, sau thời gian canh tác đến nay vườn dưa của ông Dũng đã cho thu nhập khá.
Bên cạnh nông nghiệp, toàn xã hiện có 9 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động trên địa bàn xã. Qua đó, đời sống kinh tế và thu nhập của người dân trên địa bàn xã được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,76%.
Long Hưng hôm nay không còn nhà tạm, dột nát nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, chắc chắn với tỷ lệ nhà đạt chuẩn Bộ Xây dựng là 96,09%; trong đó, có nhiều ngôi nhà được xây dựng đẹp mắt với bờ rào, sân vườn… Đặc biệt, việc cầu Long Hưng bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo bộ mặt mới khang trang và mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của Long Hưng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng Lê Văn Tôn, trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp duy trì, nâng cao 19/19 tiêu chí NTM, kiện toàn lại các tiêu chí đã đạt chuẩn để tiếp tục đạt tiêu chí NTM nâng cao vào năm 2026. UBND xã sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động người dân tham gia xây dựng NTM cũng như hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
48 năm đã trôi qua sau ngày 30-4 lịch sử, người dân xã Long Hưng vẫn không quên những ngày chiến tranh ác liệt, luôn khắc ghi công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cho ngày hòa bình của quê hương hôm nay và đã nỗ lực, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền vượt khó trong xây dựng lại xã nhà. Tất cả những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng với thành quả là bộ mặt của Long Hưng hôm nay khởi sắc, giàu đẹp hơn.
Nguồn: Xã Long Hưng: Khởi sắc đi lên từ gian khó