Tiêu khiển trong đa vũ trụ
Thật vậy, không cần một chiếc “gương thần” như trong phim tôi vẫn thường xuyên di chuyển từ vũ trụ này sang vũ trụ khác. Bạn cũng vậy. Chỉ có điều chúng ta không thể quay trở lại vũ trụ mà ta vừa rời bỏ khi đã lựa chọn một hành động. Phía trước ta khi nào cũng mở ra vô hạn các vũ trụ khả năng. Trừ phi bạn chọn cách không sống nữa…
Minh họa: Hiệp Nguyễn |
Ví dụ tôi không viết bài này ngay mà đi ngủ, thì sáng mai chắc chắn tôi sẽ có một mở bài khác dẫn đến những phần sau cũng khác và chúng ta sẽ có một bài này (nhưng) khác. Hoặc tôi không xem phim tối nay mà ra ngoài đi chơi, có trời mới biết tôi có thể gặp những gì ngoài đường. Khi ở trong một không gian hẹp và quen thuộc, ta có nhiều thế chủ động hơn hẳn so với giữa đường giữa chợ… Dù rằng trong trường hợp bị động thì chọn cách phản ứng vẫn là do ta.
Các thiên tài vật lý bảo vật chất cùng lúc vừa tồn tại ở dạng sóng và dạng hạt. Nên tôi cứ hình dung sóng vũ trụ đang tự do trôi nổi, nhưng khi tôi vừa nắm lấy một bước sóng nó lập tức hiện thành hạt và cùng lúc tôi không thể tóm được hai hạt nếu không muốn bị xẻ làm đôi.
Hẳn vì sự tò mò, tham lam và bất lực trước giới hạn nghiêm ngặt chỉ được lựa chọn một hành động mỗi lúc mà con người nghĩ ra lý thuyết về đa vũ trụ. Và các tác giả lập tức tóm lấy ý tưởng mới mẻ này để đẻ ra một loạt sách, phim mô tả các cuộc xâm nhập của con người vào một vũ trụ đang yên đang lành khác. Phải nói rõ thêm đa vũ trụ ở đây chính là một vũ trụ nhân lên đến vô hạn. Tức là vũ trụ nào cũng có phiên bản của tôi, của bạn… Một sáng tạo rất con người - giống loài luôn có xu hướng phình to cái tôi của mình không biết chán. Và cũng đánh vào nỗi sợ hãi sâu thẳm nếu cái tôi đó bị triệt tiêu.
Mỗi tác phẩm sẽ đưa ra một công nghệ, một lối tắt ngắn hạn hoặc cố định để ta có thể qua lại giữa các vũ trụ như đi chợ. Vấn đề là chỉ ta mới biết điều đó nên sang bên kia cần nhớ người đầu tiên cần tránh mặt chính là phiên bản của mình. Nhưng nếu tìm cách bắt tay với các phiên bản của chính mình để cùng nhau thống lĩnh trong thế giới của mỗi người thì sao nhỉ. Đó là ý tưởng của Parallel.
Mỗi tác phẩm sẽ đưa ra một mối tương quan giữa những cái tôi trong các vũ trụ khác nhau. Có khi giết tất cả những phiên bản khác thì mình sẽ sở hữu được tất cả các thế mạnh mà mỗi người đó có (phim The One-2001) Hoặc dùng thiết bị công nghệ để mượn tạm khả năng của các phiên bản đem về dùng trong vũ trụ của mình (Everything everywhere all at once-2022). Trong trường hợp này phiên bản kém cỏi nhất lại có ưu thế mượn được nhiều năng lực nhất. Hoặc đơn giản giết để tồn tại như một thực thể độc nhất trong trường hợp hơn 2 phiên bản bị mắc kẹt trong cùng một vũ trụ (Coherence-2013), hay khi mình thèm muốn thứ mà phiên bản trong vũ trụ khác sở hữu (Doctor Strange in the Multiverse of Madness-2022, Parallel). Thứ được săn tìm trong mọi vũ trụ vẫn là tình yêu.
Trong truyện Dark Matter (Blake Crouch), nhân vật phải mở vô hạn các cánh cửa để tìm về vũ trụ ban đầu nơi có vợ và con. Và phiên bản xịn nhất là phiên bản về đích sớm nhất. Vì sau lưng anh ta là vô hạn các phiên bản cũng xịn khác mỗi tội chậm chân được do đã có những lựa chọn không hợp lý bằng. Ngoài vô số những kẻ không tìm được đến đích thì số cán đích cũng quá đủ để làm cho thế giới ban đầu không còn an toàn. Phiên bản nào cũng lo nếu không giết thằng kia nhỡ đâu nó giết mình trước… Và theo đúng lý thuyết cuộc chém giết sẽ kéo dài vô tận. Như vậy lạm phát cái tôi chính là hậu quả thảm khốc nhất cho việc phá vỡ ranh giới giữa các vụ trụ.
Chỉ có ở Thư viện nửa đêm (Matt Haig) là nhân vật được trở về với thế giới không có gì thay đổi ngoài chính bản thân cô theo chiều hướng tốt lên. Vì vũ trụ trong truyện này giống như tồn tại trong tâm thức. Cổng vào là các cuốn sách. Mỗi cuốn sách là một cuộc đời đang diễn ra. Nhân vật chính đột nhập vào chính thân xác mình ở mỗi cuộc đời. Vì thế cô cũng không thể ở lại nơi mình ưa thích nhất khi không hoàn toàn là chính mình.
Dù kết thúc kiểu gì thì tất cả các tác phẩm về đa vũ trụ vẫn ngầm chuyển tải một thông điệp: Thế giới bạn đang nắm trong tay là chuẩn nhất, tất cả những lựa chọn làm nên con người bạn nói chung là tất yếu và phù hợp với bạn nhất. Còn nếu bạn vẫn chưa hài lòng, hãy thay đổi bản thân để có những quyết định tối ưu hơn.
Trở về với vũ trụ ta đang sống, chính giới hạn chỉ được chọn một hành động mỗi lúc làm nên giá trị của ta. Mà hoàn toàn không phụ thuộc vào sự đúng sai, bộc phát hay có tính toán của hành động. Dù bạn làm gì thì công việc hay hành động đó cũng mang tầm vóc vũ trụ mà thôi. Bạn là người sáng tạo duy nhất trong toàn bộ vũ trụ. Tác phẩm ở đây chính là đường đời của bạn với vô số lựa chọn riêng có.
Giống như từ khi sinh ra mỗi sinh linh đã được dán nhãn độc bản ở cấp độ vũ trụ hoặc hơn thế nữa. Khi nhân vật đi đến quyết định thủ tiêu phiên bản của mình đến từ vũ trụ kế bên chính là vì khi đó anh ta cảm thấy cái quyền chính đáng được độc bản bị vi phạm không thể nghiêm trọng hơn.
Trong các loại ma quỷ mà con người tưởng tượng ra, liệt vào hàng đáng sợ nhất là loại có khả năng biến thành chính chúng ta. Còn nếu cả bên trong nó cũng là ta thì còn kinh khủng hơn nữa.
Và kể cả khi không được nhân bản thành hình hài vật lý thì kẻ thù đáng sợ nhất của đời ta vẫn là ta đó thôi. Đâu ai có quyền năng làm hại đời ta bằng chính ta qua những lựa chọn sai lầm… Nhưng mà thôi thay vì phán xét, không còn cách nào khác ngoài chấp nhận đánh bạn với đối thủ ẩn trong chính mình.
Thực tế ta vẫn thường vừa ở trong ta lại vừa quan sát ta trong những giấc mơ. Biết đâu đó cũng là một kiểu du hành đa vũ trụ sơ cấp. Còn trong trường hợp tồn tại những phiên bản của ta nhưng cao cấp hơn ở một vũ trụ khác thì họ thừa sức để tiếp xúc với chúng ta dưới dạng mà chúng ta không thể nhận biết. Một phép ứng xử tối thiểu để ranh giới giữa các vũ trụ không bị xâm phạm. Và để bạn không lên cơn đau tim khi chẳng may thấy chính mình ở dạng hoàn hảo đến phát hờn.
Nguồn: Tiêu khiển trong đa vũ trụ