Tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2023
Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 3 thách thức với tăng trưởng 2023 |
Nếu như năm ngoái, những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải được TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV ví von giống như "hoạ vô đơn chí", đẩy các doanh nghiệp vào những thách thức vô cùng lớn, thì năm nay, theo vị chuyên gia này, tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
"Từ năm ngoái, chúng tôi đã dự báo nền kinh tế sẽ rất khó khăn, và thực tế từ đầu năm 2023 đến nay đã cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp đang khó khăn hơn nhiều so với năm 2022 và trước dịch. Thậm chí, nếu so sánh thời điểm hiện tại với cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm, các doanh nghiệp cũng đang khó khăn hơn rất nhiều", ông Lực nhận định.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, nền kinh tế Việt Nam từ năm ngoái đến nay đang đối diện nhiều yếu tố bất ngờ. Tình hình thế giới liên tục biến động, bao gồm cả chiến tranh, dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Tình hình kinh tế trong nước cũng rất khác so với thời điểm cách đây 10 năm trước.
Chương trình Cafe Quản trị tháng 5 với chủ đề: Kinh tế - tài chính Việt Nam, cơ hội, thách thức và giải pháp đối với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh |
Tại chương trình Cafe Quản trị tháng 5 với chủ đề: Kinh tế - tài chính Việt Nam, cơ hội, thách thức và giải pháp đối với doanh nghiệp do Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Lực đã chỉ ra 4 thách thức từ tình hình thế giới mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ nhất là xung đột chính trị kéo dài giữa Nga và Ukraina. Kéo theo đó là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không biết bao giờ kết thúc.
Thứ hai là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thuỵ Sỹ làm tăng rủi ro cho thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu. Rủi ro nợ xấu đang tăng mạnh, tình hình kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Đáng chú ý, tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra ở một số quốc gia. Hiện có hơn 30 chính phủ các nước đang trong tình trạng có thể vỡ nợ bất cứ lúc nào.
Thứ ba là rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu vẫn đang hiện hữu. Việt Nam đang tự chủ được 75% năng lượng xăng dầu, tuy nhiên, sau dịch bệnh đang có sự dịch chuyển năng lượng theo hướng xanh hoá.
"An ninh năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu, của Việt Nam hiện chỉ được 20 ngày, nếu có sự cố xảy ra sẽ rất nguy hiểm", ông Lực nhấn mạnh và so sánh với các nước, như tại Mỹ có kho dự trữ xăng dầu lên đến 6 tháng, dự trữ trung bình của các nước trên thế giới là 4 tháng, hay ngay tại khu vực, các nước như Thái Lan, Indonexia cũng có kho dự trữ xăng dầu từ 2- 3 tháng.
Thứ tư là vấn đề về giá cả, lạm phát. Lãi suất toàn cầu hiện đã giảm nhưng còn ở mức cao. Bên cạnh đó, rủi ro tài chính tiền tệ tăng cao khiến tiến trình phục hồi của nền kinh rế toàn cầu mong manh hơn, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính Việt Nam.
Đối với tình hình trong nước, theo ông Lực, các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng đang đối mặt với 5 thách thức rất nan giải. Trước hết là nền kinh tế trong nước đang chịu ảnh hưởng từ kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại, du lịch quốc tế phục hồi chậm so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, theo ông Lực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ nhất định, "đi trước, về sau" so với thế giới. Năm 2020, kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, âm hơn 3%, năm 2021 kinh tế thế giới phục hồi tốt, tăng trưởng 6%, nhưng Việt Nam lại tăng trưởng rất thấp, 2,58%. Phải đến năm 2022, kinh tế Việt Nam mới có sự phục hồi, điều này là trễ so giới thế giới 1 năm.
Năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức khoảng 6 - 6,5%. Tuy nhiên, sau quý đầu tiên, tình hình thực tế đang cho thấy những khó khăn hơn nhiều so với dự báo từ trước đó. Nhiều đơn vị nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 5,5%. Tất nhiên, nếu phấn đấu, Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng với quyết tâm và giải pháp cụ thể, ông Lực nhìn nhận.
Yếu tố thách thức thứ hai từ tình hình trong nước được vị chuyên gia này chỉ ra là mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng đang tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Theo đó, trong năm 2022, lãi suất tăng cao và việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp "ngồi không" cũng thêm mất 5% chi phí, trong đó bao gồm 2% từ tăng lãi suất, 2% tỷ giả, và khoảng 1% từ các chi phí khác.
Tín dụng hết 4 tháng đầu năm 2023 mới tăng 2,58%, đây là mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa lãi suất đã và đang giảm nhưng doanh nghiệp không vay được tiền , sức hấp thụ về vốn của nền kinh tế rất yếu.
Yếu tố khó khăn thứ ba là giải ngân từ chương trình phục hồi và đầu tư công chưa có đột phá, từ đó chưa có tác động tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại chương trình Cafe Quản trị tháng 5. Ảnh: Hoàng Anh |
Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn lực, nhân sự. Hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tiếp đà giảm mạnh do thị trường thế giới chưa hồi phục, nền kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu cùng của người dân giảm mạnh.
Mặt khác, theo ông Lực, rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn đang tiềm ẩn, cần thời gian dài để xử lý, lành mạnh hoá thị trường.
Trước thực tế đầy thách thức trong thời gian vừa qua, vị chuyên gia kinh tế này nhận định, các doanh nghiệp đang trong bối cảnh đầy thách thức. Minh chứng là mức tăng trưởng quý I/2023 rất xấu, chỉ 3,32% mức thấp nhất 12 năm qua, trừ năm 2020 trong đại dịch. Ngành công nghiệp, sản xuất tăng trưởng âm, tất cả các ngành như điện tử, điện máy, dệt may, da giày, gỗ đều rơi vào khó khăn do không có đơn hảng, thậm chí tình hình có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2023.
Đối với khu vực dịch vụ, mặc dù có sự phục hồi tích cực, tăng 6%, nhưng không đồng đều. Trong khi ngành công nghệ thông tin, truyền thông số, ngân hàng giữ được sự ổn định thì du lịch vẫn chưa lấy lại đà tăng trường. Khách du lịch chủ yếu là trong nước, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ phục hồi được 30% so với trước dịch.
Hệ quả là nền kinh tế tăng trưởng thấp, nợ xấu giữa các doanh nghiệp, tại các tổ chức tín dụng tăng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 gặp nhiều thách thức nan giải, ông Lực nhấn mạnh.
Đâu là đông lực cho tăng trưởng kinh tế?
Mặc dù cả nền kinh tế đang đối diện những thách thức rất lớn, song theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trong thách thức vẫn có cơ hội, "trong nguy có cơ".
Vị chuyên gia này chỉ ra 4 cơ hội của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Thứ nhất là các động lực tăng trưởng được duy trì. Trong đó có việc Trung Quốc mở cửa trở lại, giá cả, lạm phát toàn cầu giảm nhanh hơn dự kiến khiến doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, chương trình phục hồi năm ngoái mới ở giai đoạn chuẩn bị, năm nay hứa hẹn sẽ được giải ngân tốt hơn. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công trong năm 2023 dự kiến sẽ lớn chưa từng có. Trong khi đó, đầu tư công vừa là cơ sở hạ tầng vừa đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. Nếu giải ngân hết 95% đầu tư công như Thủ tướng chỉ đạo sẽ giúp GDP tăng thêm 2%, từ 5% lên 7% trong năm 2023.
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong mắt cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài |
Động lực thứ hai cho tăng trưởng là nền tảng vỹ mô của Việt Nam hiện đã mạnh, vững trãi hơn trước rất nhiều. Việt Nam đã quản trị được rủi ro, hiện rủi ro tài khoá đang ở mức trung bình và dự địa chính sách vẫn còn để tiếp tục có các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba là lạm phát đang giảm. Lạm phát của thế giới và trong nước hiện đã qua đỉnh và có xu hướng giảm. Năm nay lạm phát của thế giới sẽ giảm xuống khoảng 5%, năm tới sẽ giảm tiếp xuống 3% và giảm xuống 2% trong năm 2025.
"Ở trong nước, hiện lạm phát đã giảm xuống dưới 4%. Mặt khác, hiện sức cầu trong nước rất yếu, vòng quay tiền chậm, chính vì vậy, lạm phát không phải là vấn đề đáng ngại", ông Lực khẳng định và cho rằng: "Chính phủ không cần quá lo ngại về lạm phát. Nếu quá lo lạm phát sẽ khiến cả nước thắt chặt chi tiêu. Đây là điều rất nguy hiểm, làm giảm cơ hội để phục hồi kinh tế.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, thị trường chứng khoán có vẻ như đang phục hồi. Năm ngoái, thị trường chứng khoán giảm mạnh 33%, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã tăng 3,6% trở lại. Mặc dù, mức tăng này là chậm hơn so với thế giới do thị trường vẫn còn vấn đề nội tại bên trong cần giải quyết, song đó cũng là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của thị trường.
Thứ tư là việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế đang được Chính phủ thúc đẩu như việc sửa đổi các luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dầu khí có hiệu lực... Điều này sẽ giúp khơi thông những vướng mắc trên thị trường, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục tích cực.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó đưa nền kinh tế hồi phục trở lại, theo ông Lực, lãi suất cần tiếp tục điều chỉnh giảm. Chính phủ cần tháo gỡ cả phía cung và cầu về nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Hiện người dân và doanh nghiệp đang lo ngại rủi ro lạm phát, lãi suất tăng cao khiến vòng quay tiền chậm, chỉ 0,68%. Cung tiền năm ngoái tăng bằng một nửa tăng trưởng tín dụng khiến doanh nghiệp luôn luôn thiếu tiền. Trong khi đó, tín dụng tăng bao nhiêu, cung tiền cần tăng bấy nhiêu thì kinh tế mới vận hành tốt. Để vòng quay tiền lưu thông tốt phải tăng 1%. Hiện dòng tiền đang tắc ở tồn kho, nợ đọng, kho bạc, các ngân hàng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, theo ông Lực, về phía cung, các cơ quan quản lý nhà nước cần gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, tâm lý sợ trách nghiệm của các lãnh đạo bộ ngành, địa phương. Điều này là rất quan trọng nhằm giúp khơi thông thủ tục hành chính cho hoạt động sản suất, pháp lý cho thị trường bất động sản. Khi có dự án mới doanh nghiệp mới có nhu cầu về vốn tín dụng.
Về phía cầu, Chính phủ cần có biện pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch, kích cầu cho vay tiêu dùng, tiếp tục giảm lãi suất. Hiện nay, tăng trưởng của các ngành công nghiệp và xây dựng đều âm, doanh nghiệp có đơn hàng, tồn kho tăng lên, kinh tế tăng trưởng chậm khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Minh chứng là năm 2019, không có dịch bệnh, tiêu dùng đóng góp lớn cho tăng trưởng, với tỷ lệ 61,3%, đầu tư tích luỹ tài sản đóng góp 25%. Năm 2022, tiêu dùng đóng góp khoảng 40%, đầu tư chủ yếu đầu tư công đóng góp 20%. Trong khi đó, riêng quý I năm nay, tiêu dùng đóng góp một nửa tăng trưởng, đầu tư gần như không có, đầu tư công rất hạn chế. Một nửa tăng trưởng còn lại do xuất khẩu. Do đó, kích cầu tiêu dùng sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Một động lực khác cho tăng trưởng kinh tế được ông Lực chỉ ra là Chính phủ cần có chính sách để "kích" hai đầu tầu kinh tế Hà Nội và TP. HCM tăng trưởng mạnh mẽ. Trong quý I vừa qua, có những địa phương vẫn giữ được tăng trưởng tốt, 13 - 15%, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng có những địa phương rất thấp đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM.
"Chưa bao giờ TP. HCM tăng trưởng thấp như hiện nay, mức 0,75% là quá thấp. Thông thường, TP. HCM đóng góp 1/4 GDP cả nước, Hà Nội đóng góp 16% GDP cả nước", ông Lực chia sẻ và cho rằng, nếu Chính phủ tập trung "kích" 2 đầu tàu kinh tế này phát triển, ngay lập tức đã có 40% đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Hai thành phố này phát triển sẽ có sức lan toả rất lớn đến kinh tế cả nước. Do đó đây là việc làm hết sức quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện.
Xây 'xương sống' cho nền kinh tế số
Nguồn:Tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2023