Tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức cho biết, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng thiết bị sử dụng ít năng lượng. Vai trò quan trọng của cơ quan báo chí trong việc truyền thông các chính sách phát triển năng lượng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cũng theo TS. Đào Xuân Hưng, Hội thảo lần này còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đối mặt với các thách thức lớn về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6%, tương đương với tổng lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Tuy nhiên, Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và tiến tới mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng cũng nhằm tạo ra sự tiết kiệm tiêu dùng tích lũy, với mục tiêu đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 480 triệu USD) và giảm đáng kể khí thải carbon, với ước tính giảm khoảng 34 triệu tấn vào năm 2030.
Quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo đã tập trung vào các chủ đề chính như: Chuyển đổi năng lượng xanh; Bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam về thực trạng và giải pháp triển khai năng lượng xanh tại Việt Nam; Cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tái tạo; Đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; Thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; Ứng dụng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Sĩ Đăng, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ (Bộ KH và CN) cho biết: Thứ nhất, khi đặt vấn đề về chuyển đổi năng lượng tại nước ta, việc đầu tiên là phải chú ý đến nguồn năng lượng thế mạnh của Việt Nam, bao gồm cả khả năng làm chủ và đảm bảo yếu tố an ninh năng lượng; Thứ hai, việc chuyển đổi phải bền vững. Các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời đều chưa ổn định, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và khó lưu trữ, đặc biệt là vấn đề chuyển tải. Do đó, chúng ta cần quan tâm đầu tư cho lưu trữ, chuyển tải và điều phối.
Đề cập đến định hướng chuyển đổi xanh, cá nhân TS. Nguyễn Sĩ Đăng cho rằng chúng ta khó mà nhìn thấy phát thải bằng "0" ngay được, chính xác hơn là chúng ta hướng đến mục tiêu về "0". Tức là cần triển khai để giảm tỷ lệ phát thải ở các ngành quan trọng, đồng thời tăng hàm lượng xanh ở ngành có nhiều phát thải theo một lộ trình dài hơi. Theo TS. Đăng, đây là nhận thức quan trọng để có kế hoạch hành động phù hợp.
TS. Nguyễn Sĩ Đăng, Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thảo luận tại Hội thảo |
Khẳng định nguồn năng lượng tái tạo là quý giá, là hướng giải quyết rất tốt cho mục tiêu Net Zero, nhưng GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc “Trước mắt đây là nguồn năng lượng sạch nhưng 50 năm sau có còn là sạch không?”. GS Đặng Kim Chi lấy ví dụ, hàng chục năm trước đây khi các bà nội trợ chuyển từ việc xách một cái giỏ đựng hàng đi chợ sang sử dụng túi bóng. Thoạt nghĩ là tiện lợi, nhưng hiện nay hàng tấn rác thải từ túi bóng đang được xả ra môi trường và khó tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường. Tương tự như vậy, bài toán xử lý rác thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi hết giá trị sử dụng như thế nào? Ngoài ra, sau nhiều chuyến khảo sát, GS. Đặng Kim Chi nhận thấy cần có giải pháp khi các nguồn năng lượng mới đầu tư tốn kém, giá thành cao. Các nguồn năng lượng cũng phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi chúng ta chưa làm chủ được thiên nhiên. Hay như năng lượng gió ngoài khơi, tại khu vực này có nguồn thủy sản dồi dào nhưng lại là vùng cấm khai thác.
GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thảo luận tại Hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường chia sẻ tham luận về chuyển dịch năng lượng và mục tiêu Net Zero trên thế giới: Bối cảnh đặt ra với Việt Nam |
TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo tham luận về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero |
Với 7 bài tham luận và các ý kiến đóng góp thảo luận sôi nổi khác, hội thảo đã mang đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia năng lượng và các doanh nghiệp nhiều thông tin hữu ích về cơ chế chính sách, kinh nghiệm quốc tế cũng như các kinh nghiệm triển khai thực tiễn cho các địa phương trong thời gian tới.
Hội thảo có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. |
Nguồn: Tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero