Tin bất động sản ngày 1/2: Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng, trung bình 50 triệu đồng/m2
Bất động sản công nghiệp đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023 Nhìn lại những yếu tố tác động đến thị trường bất động sản trong năm 2022 |
Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng, trung bình 50 triệu đồng/m2
Tại báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội, Hội Môi giới cho biết, trong quý IV/2022 thị trường ghi nhận 31 dự án chào bán mới. Trong đó, chỉ có 2 dự án mới hoàn toàn và 29 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, cung cấp tổng 2030 sản phẩm cho thị trường, chủ yếu là sản phẩm cao cấp.
Giá chung cư Hà Nội có xu hướng tăng trong quý 4/2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Về giao dịch, quý IV ghi nhận, ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 20% lượng chào bán với hơn 435 giao dịch.
Các dự án nhà ở, liền kề tại quận Thanh Xuân và Tây Hồ có giá lên tới 400 triệu/m2 nhưng gần như không có giao dịch.
Những tháng cuối năm 2022, chung cư Hà Nội vẫn ghi nhận đà tăng giá. Số liệu của VARS cho thấy, năm 2022, phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá bán sơ cấp trung bình đạt 50 triệu đồng/m2, tăng 10-15% theo năm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nguồn cung ngày càng khan hiếm, đặc biệt là phân khúc bình dân. Trong tình hình quỹ đất khu vực trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm, 70% nguồn cung căn hộ mới ở Hà Nội trong năm qua tới từ các dự án đại đô thị ở khu vực phía Đông và phía Tây. Nhu cầu ở thực rất mạnh nhưng lượng giao dịch không cao bởi mức giá quá cao so với thu nhập, trong khi cầu đầu cơ bị hạn chế do lãi suất tăng, cùng với việc thắt chặt tín dụng.
Dự báo về nguồn cung căn hộ trong thời gian tới, Savills cho biết, tại Hà Nội, trong năm 2023 ước tính có 19 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán với tổng cộng 15.800 căn hộ. Xu hướng dịch chuyển về vùng ven vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 103.900 căn hộ trong giai đoạn 2023 đến sau 2025.
Dự báo chung toàn thị trường, Hội Môi giới cho biết, trong quý I và nửa đầu quý II/2023, giá bán bình quân có thể sẽ giảm nhẹ sau đó đi ngang. Nếu kinh tế ổn định, khả năng cao giá bán các sản phẩm sẽ tăng trở lại.
Còn với phân khúc chung cư, giá căn hộ phân khúc thấp sẽ không giảm, thậm chí tăng nếu nguồn cung không được cải thiện.
Công ty TNHH Địa ốc P&G bị xử phạt 150 triệu đồng
Mới đây, Công ty TNHH Địa ốc P&G bị phạt 150 triệu đồng do đã thực hiện dự án trước khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt vừa ký ban hành Quyết định số 96/QĐ-XPH xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Địa ốc P&G do ông Phạm Xuân Giang đại diện theo pháp luật (Địa chỉ trụ sở chính: Số E15, đường Phan Văn Đáng, Khóm 1, Phường 8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) do đã có vi phạm các quy định về đầu tư.
Cụ thể, Công ty TNHH Địa ốc P&G đã thực hiện dự án trước khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng).
Với hành vi vi phạm trên, Công ty TNHH Địa ốc P&G bị phạt tiền 150 triệu đồng. Đồng thời, buộc Công ty này thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm nêu trên theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 19 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty TNHH Địa ốc P&G phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Hà Nội đề xuất các địa điểm thực hiện dự án trung tâm mua sắm cấp vùng
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, UBND các quận, huyện rà soát, xác định địa điểm dự kiến bổ sung chức năng khu tổ hợp outlet (trung tâm mua sắm, buôn bán cấp vùng).
Theo đó, liên ngành đã đề xuất bố trí quỹ đất thương mại, dịch vụ (khoảng 811,57ha) tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, để thực hiện dự án trung tâm outlet.
Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục rà soát, đề xuất bố trí quỹ đất thương mại, dịch vụ tại huyện Sóc Sơn và huyện Thanh Trì để nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án trung tâm outlet thứ 2.
Trong năm 2022, Hà Nội đã tập trung đầu tư các trung tâm thương mại lớn. Trong đó, đã hoàn thành trung tâm thương mại Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm và trung tâm thương mại Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm. Ngoài ra, các đơn vị cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai và Lotte Mall Tây Hồ.
Việc triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu outlet quy mô lớn là một trong 19 chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mô hình outlet là loại hình mới tại Việt Nam, chưa có quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể nên ban đầu, việc nghiên cứu đề xuất và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu outlet gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đây là mô hình quen thuộc, phát triển mạnh tại nhiều nước. Khi đi vào hoạt động, các trung tâm outlet sẽ đóng góp đáng kể vào phát triển dịch vụ, du lịch.
Fuji Bắc Giang bị xử phạt vì thi công hạ tầng khu công nghiệp “chui”
UBND tỉnh Bắc Giang vừa xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, thi công không phép tại “Dự án Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng phía Nam” - giai đoạn II (diện tích 12,07 ha) đối với Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang (Fuji Bắc Giang) - chủ đầu tư dự án.
Fuji Bắc Giang thi công không phép dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng phía Nam”- giai đoạn II/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Fuji Bắc Giang đã tổ chức thi công san nền diện tích khoảng 8,99 ha; đang tổ chức thi công lớp cấp phối đá dăm tuyến đường từ Quốc lộ 37 đến nút giao Khu công nghiệp (theo quy hoạch) mà không có giấy phép xây dựng được cấp.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Fuji Bắc Giang dừng thi công xây dựng công trình, xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng trong vòng 90 ngày.
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Fuji Bắc Giang chấm dứt toàn bộ các hoạt động xây dựng trong thời gian hoàn thiện giấy phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, Fuji Bắc Giang có địa chỉ tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trường Giang, Tổng Giám đốc. Đồng thời, ông Giang còn còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Fuji (Chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) và Công ty Phát triển nhà Fuji Vân Trung.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Fuji Phúc Long cũng bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng vì tổ chức thi công xây dựng công trình khi chưa được cấp giấy phép xây dựng tại dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hàn, tỉnh Bắc Giang”- giai đoạn I (50ha).
Nguồn:Tin bất động sản ngày 1/2: Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng, trung bình 50 triệu đồng/m2