Tin bất động sản ngày 13/3: Đà Nẵng lên kế hoạch đền bù giải tỏa cho 106 dự án
Tin bất động sản ngày 12/3: Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giá Tin bất động sản ngày 11/3: Mê Linh (Hà Nội) sắp đấu giá hàng trăm thửa đất gần đường Vành đai 4 |
Đà Nẵng lên kế hoạch đền bù giải tỏa cho 106 dự án
UBND TP Đà Nẵng vừa có kế hoạch đền bù giải toả 106 dự án trên địa bàn thành phố năm 2024.
Ảnh minh họa |
Theo đó, nhóm I/2018 gồm 2 dự án, là nhóm các dự án, công trình đã cam kết hoàn thành đền bù giải toả năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, thống nhất tiến độ gia hạn hoàn thành công tác đền bù giải toả đến 30/4/2024.
Cụ thể là dự án khu số 1 Trung tâm đô thị mới Tây Bắc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án chỉ còn một hồ sơ và địa phương đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Dự án thứ hai là Khu tái định cư Hòa Hiệp mở rộng phía Nam nhà máy nước do Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung làm chủ đầu tư. Tại đây còn ba hồ sơ chưa bàn giao, quận Liên Chiểu đã trình thành phố hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc.
Nhóm I/2024 gồm 65 dự án, là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án hoàn thành công tác đền bù giải toả năm 2024.
Có những dự án lớn như: Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; tuyến đường vành đai phía Tây; khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng; cải tạo nâng cấp đường Võ Duy Ninh; chợ và khu phố chợ Khuê Mỹ; khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 1); nút giao thông trục I Tây Bắc; tuyến đường vành đai phía Tây…
Nhóm II/2024 gồm 39 dự án, là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm 2024 và năm 2025.
UBND TP Đà Nẵnng đề nghị Thường trực các quận, huyện ủy bám sát, chỉ đạo UBND các quận, huyện và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận, huyện, nhất là các dự án thuộc nhóm I/2018 và nhóm I/2024 hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, giao Chủ tịch Hội đồng bồi thường chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường quận, huyện lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện về đền bù giải tỏa hằng tuần, hằng tháng cho từng dự án, phân công cán bộ theo dõi dự án bám sát công việc, đôn đốc thực hiện đúng tiến độ, gửi đến các chủ đầu tư, Ban Quản lý điều hành dự án để cùng phối hợp thực hiện.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu, các đơn vị, địa phương liên quan, xác định giải toả đền bù là nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, do đó các đơn vị tập trung tốt nhất cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn đúng tiến độ.
Đông Nam Bộ có thêm gần 19.000 ha đất công nghiệp chuyển đổi từ đất trồng cao su
Theo báo cáo cập nhật ngành Bất động sản khu công nghiệp (KCN) do SSI Research vừa phát hành, nguồn cung các KCN miền Nam giai đoạn 2021-2030 phần lớn đến từ đất cao su
Cụ thể, theo Quy hoạch các KCN Đồng Nai, diện tích KCN được Thủ tướng Chính phủ phê dụng sử dụng đất cao su chuyển đổi là 6.760ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến 2025 và 2.000ha giai đoạn 2025-2030 (chiếm 48% tổng diện tích).
Đồng thời, diện tích đất cao su chuyển sang KCN trong giai đoạn đến 2025 của Bình Dương và Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu ước lần lượt 3.084ha, 2.994ha và 3.933ha.
Như vậy, tổng cộng có 18.771 ha đất trồng cao su được chuyển đổi tại các địa phương này.
Việc chuyển đổi đất cao su sang làm KCN có các lợi thế như diện tích đất liền thửa lớn, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh khi hành lang pháp lý về định giá đất được hướng dẫn rõ ràng, làm cơ sở cho việc xác định giá chuyển nhượng và chi phí san lấp mặt bằng thấp do vùng đất có độ cứng cao.
Do vậy, SSI Research cho rằng chuyển đổi đất cao su sang làm KCN sẽ giúp cung cấp nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các KCN phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đạt trên 93%.
SSI Research cũng chỉ ra những công ty có diện tích chuyển đổi lớn như Cao su Đồng Nai (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) nắm giữ 100%), Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR, GVR nắm giữ 55.81%), Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR, GVR nắm giữ 66.62%), Cao su Tân Biên (UPCoM: RBT, GVR nắm giữ 98.46%), Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR, GVR nắm giữ 97.47%), Cao su Phú Riềng (GVR nắm giữ 100%), Cao su Dầu Tiếng (GVR nắm giữ 100%).
Theo Luật Đất đai 2024 sẽ được áp dụng từ 2025, định giá đất trồng cây lâu năm sẽ được định giá dựa trên 4 phương pháp gần với giá giao dịch thị trường.
Nhóm phân tích SSI Research cho rằng phương pháp thu nhập phù hợp nhất với xác định giá đền bù trồng cây cao su bao gồm các yếu tố như doanh thu từ khai thác vườn cây trong 3 năm gần nhất; chi phí khai thác vườn cây trong 3 năm gần nhất; tỷ lệ chiết khấu theo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng Nhà nước nắm giữ trên 50%.
Bắc Giang tìm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới sân golf 6.400 tỷ đồng
UBND huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) vừa thông báo tìm nhà đầu tư cho Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) và xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng) với tổng mức đầu tư hơn 6.380 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) và xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng) được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên khu đất có diện tích khoảng 134/602 ha với tổng mức đầu tư hơn 6.380 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 566 tỷ đồng.
Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 1/3 đến chiều ngày 2/5.
Về công trình nhà ở, dự án sẽ xây thô, hoàn thiện mặt tiền 979 căn tại các lô đất ở liền kề với quy mô dự kiến khoảng 88.810 m2; chiều cao xây dựng 5 tầng. Cùng với đó, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 42.600 m2, quy mô cao 6 tầng (căn hộ ở), tổng diện tích xây dựng nhà ở khoảng 16.424 m2, quy mô dân số khoảng 2.702 người.
Đối với khu vực phát triển du lịch thể thao - sân golf, dự án sẽ đầu tư xây dựng hố golf, đường golf, sân tập golf… tại các lô đất xây dựng hố golf, đường golf với diện tích gần 803.800 m2; sân golf 18 hố... Ngoài ra còn có các công trình giáo dục, công trình thương mại dịch vụ khác.
Về ranh giới khu đô thị, phía Bắc tiếp giáp phần đất canh tác xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang. Phía Tây tiếp giáp tuyến đường quốc lộ QL17, đoạn qua địa phận huyện Yên Dũng. Phía Đông và phía Nam tiếp giáp dãy núi Nham Biền và xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng.
Trước đó, Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền được UBND tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 28/6/2023. Điều kiện tham gia yêu cầu nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu tối thiểu hơn 957 tỷ đồng, vốn vay thương mại tối đa hơn 5.423 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động là 50 năm, tiến độ thực hiện, hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, hoàn thành xây dựng công trình là 72 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.
Hải Phòng sẽ mở thêm loạt khu công nghiệp mới
Để giữ vững đà thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI), TP Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại tại các khu công nghiệp.
Ảnh minh họa |
Hải Phòng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mở rộng, phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại tại các KCN tạo lợi thế để tăng tốc thu hút vốn đầu tư.
Hiện nay, Hải Phòng có 14 KCN đang hoạt động. Các KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của địa phương này. Các KCN trên địa bàn được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 6.000ha đã tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.
Trong năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (752ha), KCN Tiên Thanh (410ha). Hiện BQL KKT Hải Phòng đang cùng nhà đầu tư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 2 KCN trên. Dự kiến, đến năm 2024 - 2025, các KCN này sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng hơn 1.000ha đất công nghiệp cho thị trường.
Bên cạnh đó, TP Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 KCN mới với tổng diện tích gần 5.000ha. Trong đó có 4 KCN gồm Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên với tổng diện tích hơn 1.383ha đã nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Địa phương cũng đã có phương án chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới với tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch xây dựng, TP Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha, thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng với diện tích dự kiến khoảng 20.000 ha.
Đặc biệt, với mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian qua, TP Hải Phòng đã và đang khuyến khích nhà đầu tư tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển bền vững, hiệu quả, tăng cường chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon trong các KCN.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 13/3: Đà Nẵng lên kế hoạch đền bù giải tỏa cho 106 dự án