Tin bất động sản ngày 17/5: Teelhomes muốn làm dự án khu đô thị hơn 2.000 tỉ ở Nghệ An
Tin bất động sản ngày 16/5: Chấm dứt dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh Tin bất động sản ngày 15/5: Đề xuất thu hồi "đất vàng" khách sạn Empress ở Đà Lạt |
Teelhomes muốn làm dự án khu đô thị hơn 2.000 tỉ ở Nghệ An
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị và thương mại dịch vụ tại vùng Cồn Bàu, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký là Công ty Cổ phần Teelhomes (Teelhomes).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 38,2ha, quy mô dân số khoảng 2.884 người. Quy mô xây dựng của dự án gồm 512 căn nhà ở liền kề (xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt ngoài, tỷ trọng 50%); 200 căn nhà ở biệt thự (xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt ngoài, tỷ trọng 50%); 9 căn nhà ở tái định cư; nhà ở hiện hữu (chỉnh trang); 2 khu trung tâm thương mại; 2 nhà văn hóa, chiều cao 1 tầng; 1 trường mầm non; cây xanh công viên, thể dục thể thao; khu hạ tầng kỹ thuật; hệ thống đường giao thông, mương nước…
Dự án có tổng mức đầu tư dự khoảng 2.071,8 tỉ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 76,6 tỉ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự kiến, dự án hoàn thành dự án trong vòng 5 năm, kể từ ngày đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là, CTCP Teelhomes chỉ được thành lập vào ngày 3/3/2022, hiện có trụ sở tại TP Vinh, người đại diện pháp luật là ông Đinh Văn Minh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Theo thông tin mới nhất công bố tháng 3/2023, Teelhomes có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Cơ cấu sở hữu gồm ông Nguyễn Văn Vinh nắm giữ 15%, ông Đinh Văn Minh - Chủ tịch HĐQT nắm 65%, ông Nguyễn Văn Dương năm giữ 15% và phần còn lại thuộc về bà Vũ Thị Liên.
Ngoài ra, ông Đinh Văn Minh còn được biết đến là Tổng Giám đốc của CTCP Xây dựng Teel Việt Nam (Teel Group), một tập đoàn chuyên thi công các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật...
Trong lĩnh vực bất động sản, Teel Group đang sở hữu một số dự án như Khu nhà ở đô thị tại xã Tràng An (Bình Lục, Hà Nam); Khu nhà ở sinh thái Teelhomes Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) hay Khu đô thị số 1 tại phường Chiềng Sinh (TP Sơn La).
Lạng Sơn sắp có khu công nghiệp hơn 6.300 tỉ đồng
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 501/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn...
Theo quyết định, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Khu công nghiệp Hữu Lũng) được triển khai ở các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Quy mô dự án là 599,76ha, trong đó giai đoạn 1 với quy mô sử dụng đất khoảng 200ha; giai đoạn 2 với quy mô sử dụng đất khoảng 250ha và giai đoạn 3 với quy mô sử dụng đất khoảng 149,76ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.361,3 tỉ đồng, tương đương hơn 274,6 triệu đô la Mỹ. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 954,2 tỉ đồng, tương đương 41,2 triệu đô la Mỹ.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 15/5/2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án và những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33, điểm i khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Hữu Lũng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc đổi tên khu công nghiệp Hữu Lũng thành khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn theo đề xuất của nhà đầu tư.
Tổ chức kiểm tra, xác định nhà đầu tư thực hiện dự án đáp ứng điều kiện cho thuê đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đảm bảo điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Bình Thuận chỉ cấp 22,3 ha đất ở thương mại trong năm 2023
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận năm 2023 với mục tiêu 164.000 m2 sàn nhà ở thương mại tương ứng 22,3 ha diện tích.
Việc ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 19/08/2022 của UBND tỉnh; xác định vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng quy mô dự án phát triển nhà ở trong năm 2023; xác định được tỉ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng; số lượng, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê trong năm 2023; dự báo diện tích đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trong năm 2023; dự báo nguồn vốn cho phát triển nhà ở trong năm 2023; cách thức tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở.
Cụ thể, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2023 dự kiến đạt khoảng 24,9 m2 sàn/người (trong đó khu vực đô thị 25,7 m2 sàn/người; khu vực nông thôn 24,5 m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 9,2 m2 sàn/người
Tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng năm 2023 đạt khoảng 1.338.819 m2 sàn; trong đó diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng cho từng loại hình: Nhà ở thương mại 164.000 m2 sàn; Nhà ở tái định cư 37.040 m2 sàn; Nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 0 m2 sàn; Nhà ở xã hội 184.221 m2 sàn; Nhà ở dân tự xây 953.558 m2 sàn.
Dự báo nhu cầu vốn đầu tư nhà ở năm 2023 khoảng 7.774,49 tỉ đồng; trong đó: Nhà ở thương mại 1.886 tỉ đồng; Nhà ở tái định cư 174,09 tỉ đồng; Nhà ở xã hội 1.265,42 tỉ đồng; Nhà ở dân tự xây 4.481,72 tỉ đồng.
Dự kiến diện tích đất ở phát triển nhà ở trong năm 2023 khoảng 212,4 ha, bao gồm: Đất ở phát triển nhà ở dân tự xây 158,93 ha; Đất ở phát triển nhà ở tái định cư 6,17 ha; Đất ở phát triển nhà ở xã hội 25,03 ha; Đất ở phát triển nhà ở thương mại 22,3 ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao rà soát quỹ đất đã giao cho các chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định.
Đà Nẵng lập tổ công tháo gỡ vướng mắc thủ tục đất đai
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa có quyết định thành lập tổ công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tổ công tác này do ông Trần Quốc Hùng (Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát, đánh giá, phân tích, phân nhóm các vướng mắc trong việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trong đó, tập trung vào các trường hợp trước đây đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu, trên cơ sở kết quả rà soát, vận dụng quy định của pháp luật, tổ công tác có trách nhiệm đề xuất các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn , vướng mắc giải quyết hồ sơ đối với từng nhóm vướng mắc, đối với từng trường hợp cụ thể, để UBND TP xem xét, giải quyết.
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trước đó, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản, UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát , tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.
Chính quyền TP Đà Nẵng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết, tháo gỡ; tham mưu UBND TP có báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ hàng quý.
Ngoài ra, Sở TN&MT có trách nhiệm tham mưu UBND TP ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 17/5: Teelhomes muốn làm dự án khu đô thị hơn 2.000 tỉ ở Nghệ An