Tin bất động sản ngày 18/3: CapitaLand chi 1,5 tỷ USD mua lại bất động sản từ Vinhomes?
Tin bất động sản ngày 17/3: Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam Tin bất động sản ngày 16/3: Tạm dừng thanh tra các dự án trên địa bàn Quảng Nam |
CapitaLand chi 1,5 tỷ USD mua lại bất động sản từ Vinhomes?
Mới đây, Reuters đưa tin, một trong những tập đoàn bất động sản lớn của châu Á là CapitaLand đang trong quá trình đàm phán để mua lại tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ CTCP Vinhomes (HoSE: VHM).
Dự án Ocean Park của Vinhomes/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo Reuters, các cuộc thảo luận giữa CapitaLand, thuộc sở hữu đa số của nhà đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings và Vinhomes đã diễn ra đối với một số dự án do VHM sở hữu.
CapitaLand xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes, là một dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng quy mô 294 ha ở Hưng Yên, hoặc một dự án khác ở phía bắc thành phố Hải Phòng. Giá trị của thỏa thuận này đang được đàm phán.
Nếu thành công, thương vụ này sẽ đánh dấu một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất ở Đông Nam Á trong vài năm qua.
Khi được Reuters liên hệ, CapitaLand Development không có bình luận trực tiếp về bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Vinhomes.
"Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi của CapitaLand Development. Chúng tôi liên tục đánh giá các cơ hội đầu tư để phát triển sự hiện diện của mình tại quốc gia này", đại diện doanh nghiệp này nói.
CapitaLand Development, một thành viên của Tập đoàn CapitaLand, hiện có mặt ở 40 quốc gia trên thế giới. Đơn vị này là nhà phát triển các dự án bất động sản bán lẻ, văn phòng, khu dân cư, khu kinh doanh và trung tâm dữ liệu... Doanh nghiệp cũng có một danh mục các dự án khu dân cư, bao gồm cả chung cư cao cấp tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Trong khi đó, Vingroup từ chối phản hồi về bất kỳ cuộc thảo luận nào với CapitaLand, nhưng cho biết với tư cách là một công ty niêm yết, công ty sẽ tiết lộ thông tin nếu có bất kỳ giao dịch nào xảy ra.
Đề xuất dùng vật liệu xanh để xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Mới đây, tại Hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp", các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản đã làm rõ hai trong số các vấn đề của Chính phủ đang chỉ đạo và được đông đảo người dân quan tâm đó là tiến tới giảm phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050; và mục tiêu xây dựng 1 triệu NƠXH.
Tại Hội thảo, TS. Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã trình bày những thuận lợi, thách thức về vật liệu xây dựng pháp thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong xây dựng NƠXH góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Đối với công trình NƠXH, cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Cũng trong hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề chính sách nhà nước về phát triển NƠXH và cho vay ưu đãi cho người thu nhập thấp; ứng dụng bê tông siêu tính năng UHPC trong thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, vấn đề kiến trúc và vật liệu cho NƠXH hiệu quả năng lượng; sơn sinh thái graphenstone cho thế hệ xanh không plastic, không VOC, không formaldehyde; nhà ở công nhân và NƠXH giảm nhiệt bên trong và bên ngoài công trình cũng được đề cập.
Thời gian tới, cần tiếp tục ban hành đầy đủ và rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách như chính sách hỗ trợ về đầu tư, tài chính, thuế... nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp. Đặc biệt, trong các công trình xây dựng NƠXH, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Yêu cầu thu hồi khu đất hơn 12.000m2 tại Tân Bình TP HCM
Mới đây, Thanh tra TP HCM công bố kết luận thanh tra toàn diện khu đất có diện tích 12.496 m2 tại số 4 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình TP HCM.
Theo kết luận thanh tra, năm 2002, Công ty CP Nam Tiến được nhà nước cho thuê đất với hình thức trả tiền thuê đất hằng năm và quản lý, sử dụng. Tháng 5/2005, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê. Đến nay, công ty này vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.
Trong quá trình sử dụng, Công ty CP Nam Tiến không trực tiếp sử dụng đất thuê của nhà nước (trả tiền thuê đất hàng năm) mà cho các đơn vị, cá nhân thuê lại toàn bộ diện tích để kinh doanh, làm kho, bãi giữ ôtô... Việc cho thuê lại mặt bằng đã thực hiện không đúng quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.
Về nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Công ty CP Nam Tiến chưa nộp tiền thuế đất và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/4/2022 là hơn 29 tỷ đồng. Cục Thuế TP HCM đã có 8 văn bản và Chi cục Thuế quận Tân Bình đã có 6 văn bản thực hiện cưỡng chế thu tiền thuê đất nhưng đến thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này vẫn chưa chấp hành việc nộp tiền thuế đất và tiền chậm nộp.
Cũng theo Thanh tra TP HCM, sau khi được nhà nước cho thuê khu đất số 4 Phạm Phú Thứ, Công ty CP Nam Tiến không lập phương án chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch mà sử dụng khu đất này để hợp tác kinh doanh, lập pháp nhân mới là Công ty CP PPT Land (trong đó Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông góp 33% vốn điều lệ, Công ty CP Nam Tiến góp 47% vốn điều lệ và Công ty CP Xuất nhập khẩu Tân Bình góp 20% vốn điều lệ). Việc Công ty CP Nam Tiến hợp tác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án là chưa đúng chủ trương của UBND TP HCM và hợp đồng thuê đất.
Trước các vi phạm, thiếu sót trên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích khu đất số 4 Phạm Phú Thứ, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý.
Đồng thời, chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty CP Nam Tiến; rà soát, xem xét, xử lý hoặc báo cáo đề xuất xử lý số tiền thu lợi bất chính đối với việc cho thuê lại nhà, đất không đúng quy định.
Thành phố Nha Trang rà soát 109 dự án
UBND TP Nha Trang vừa có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Nha Trang, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các ban quản lý dự án của tỉnh, chủ đầu tư dự án, UBND các xã, phường về việc rà soát danh mục các dự án trên địa bàn TP Nha Trang.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo UBND thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 109 dự án trong và ngoài ngân sách. Qua theo dõi, một số dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, một số dự án đã đưa vào sử dụng, một số dự án không triển khai hoặc bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt đầu tư.
Để có cơ sở triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, UBND TP Nha Trang đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, UBND các xã, phường khẩn trương kiểm tra, rà soát danh mục các dự án đang triển khai, không triển khai hoặc đã hoàn thành đưa vào sử dụng, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/3. UBND TP Nha Trang giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát danh mục các dự án để tham mưu UBND thành phố triển khai giải quyết đảm bảo theo quy định pháp luật.
Trước đó, tỉnh Khánh Hoà cũng rà soát các dự án có loại đất ở không hình thành đơn vị ở. Theo đó, UBND tỉnh này yêu cầu xác định tổng số các dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (kể cả tại các quyết định về quy hoạch xây dựng) có loại đất ở không hình thành đơn vị ở; bao nhiêu dự án đã chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, rà soát nghĩa vụ tài chính liên quan đối với các trường hợp đất ở không hình thành đơn vị ở; bao nhiêu trường hợp chủ đầu tư không thống nhất thực hiện chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ; nguyên nhân vì sao và đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp này.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 18/3: CapitaLand chi 1,5 tỷ USD mua lại bất động sản từ Vinhomes?