Tin bất động sản ngày 2/10: Hà Nội kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ
Hà Nội kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 2 năm triển khai đến nay, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ - vốn rất chậm chạp thời gian vừa qua.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, đến nay đã có 8 quận, huyện đã tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Riêng quận Đống Đa đã hoàn thành công tác di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D số 51 Huỳnh Thúc Kháng. Đây là khu nhà hư hỏng đã có chủ trương từ lâu, nhưng một số hộ dân vẫn bám trụ ở lại, bất chấp nguy hiểm.
Các khu chung cư cũ như Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Văn Chương, Nam Đồng, Hào Nam, Nam Thành Công… cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Trong cải tạo chung cư cũ theo kế hoạch chung của thành phố, quận Đống Đa cũng thực hiện theo kế hoạch cơ bản, hoàn thành công tác kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ, lập kế hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện song song và có cơ sở để lựa chọn những đơn vị thực hiện cải tạo chung cư cũ” - ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nói.
Mặc dù, được khởi động từ năm 1999, nhưng sau hơn 20 năm, số chung cư cũ trên địa thành phố Hà Nội được cải tạo vẫn chưa đạt con số 10% (trong tổng số 1579 chung cư). Việc cải tạo, xây dựng mới diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân.
Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng…
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Việc xây dựng lại chung cư cũ được thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ. Thành phố đã ban hành đề án cải tại chung cư cũ và kèm theo đề án là 5 kế hoạch để triển khai thực hiện cải tạo chung cư cũ”.
Quảng Bình: Sắp đấu giá 49 thửa đất tại dự án Khu đô thị Sa Động
Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Bộ vừa phát đi thông báo về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng 49 thửa đất ở thuộc Dự án tạo quỹ đất Khu đô thị Sa Động tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
Theo thông báo, tổng diện tích các thửa đất là 9.157,9m2. Mỗi lô đất đấu giá có diện tích dao động từ 168 m2 đến 348,2m2/lô. Giá khởi điểm mỗi lô đất dao động từ 4,536 tỷ đồng đến 11,281 tỷ đồng/lô.
Giá khởi điểm nói trên chưa bao gồm lệ phí trước bạ, phí, lệ phí và các chi phí khác phục vụ cho việc kê khai đăng ký quyền sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và bỏ phiếu trả giá từ ngày 3/10 đến ngày 24/10/2023. Buổi công bố giá đã trả sẽ được tổ chức vào ngày 27/10/2023 tại Phòng đấu giá Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Bộ.
Trong một diễn biến khác có liên quan, thời gian gần đây, nhiều địa phương khác tại khu vực miền Trung cũng đã lên kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Đơn cử, tỉnh Bình Định đưa ra đấu giá 7 quỹ đất có tổng diện tích hơn 124 ha, với tổng số tiền dự kiến thực hiện là 700 tỷ đồng.
7 khu đất nói trên gồm: Khu du lịch sinh thái Eo Gió tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn có diện tích 9,55 ha; Bãi đỗ xe Khu Du lịch Kỳ Co tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn có diện tích 1,2 ha; Điểm số 2 (2-1), Khu du lịch Biển Nhơn Lý - Cát Tiến tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát diện tích 28,32 ha; Điểm số 2 (2-2), Khu du lịch Biển Nhơn Lý - Cát Tiến tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát diện tích 40,21 ha.
Ngoài ra còn có Khu dân cư 05 thuộc Điểm số 3, quỹ đất dọc đường trục KKT nối dài tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát diện tích khoảng 5,4 ha; Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn diện tích khoảng 20,4 ha; Khu Biệt thự nghỉ dưỡng học viện Golf tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn diện tích khoảng 19,8 ha.
Lạng Sơn: Khởi công khu đô thị gần 700 tỷ đồng tại phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ
Mới đây, Liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Chi Lăng và Công ty Cổ phần tập đoàn BGI đã khởi công khu đô thị phía Đông Nam tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng.
Dự án khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư theo Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 5/7/2021.
Khu đô thị có quy mô sử dụng đất 19,8ha tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 5,82ha. Bao gồm 581 lô khu nhà ở liền kề, biệt thự, quy mô dân số 3.090 người, tổng mức đầu tư 675 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện đầu tư, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, xây dựng dự án giai đoạn 2021-2027.
Theo Báo Lạng Sơn, hiện UBND huyện Chi Lăng đã lập phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đã hoàn thành trích đo thửa đất và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Tính đến nay, UBND huyện Chi Lăng đã giải phóng mặt bằng được 7,6/19,8ha; UBND tỉnh đã tạm giao đất để thi công hạ tầng dự án là 5,8ha.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Green Garden tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc với diện tích hơn 37,7ha và tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư).
TP HCM tập trung triển khai các công trình, dự án có tính cấp bách
Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành TP, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các chủ đầu tư dự án theo chức năng nhiệm vụ để triển khai và thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 5/10.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã đưa ra chủ trương đối với các vấn đề liên quan đến đầu tư công. Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất quan điểm, nguyên tắc về các nội dung liên quan đến đầu tư công, bao gồm việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B; điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021 - 2025 từ nguồn thu dự kiến tăng thu của TP; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 và 2024.
Các sở, ngành có liên quan được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và Đảng đoàn HĐND TP, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung trên. Đồng thời, quy trình rà soát và thẩm định trình HĐND TP sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật, với ưu tiên cho các công trình và dự án có tính cấp bách, đặc biệt là những dự án kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Trong quá trình triển khai, các cơ quan và đơn vị liên quan cần đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, và tuân thủ quy trình, quy định pháp luật, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Các công trình quan trọng và dự án lớn đã xác định tiến độ và thời gian sẽ được rà soát và chỉ đạo mạnh mẽ để giải quyết các khó khăn và vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ được tăng cường, và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây khó khăn, cản trở hoặc làm chậm tiến độ công tác triển khai sẽ được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư cũng sẽ tham mưu và thực hiện nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Đảng đoàn HĐND TP sẽ đảm bảo quy trình kiểm tra, giám sát hàng năm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất và tránh gây khó khăn cho các đơn vị và địa phương trong quá trình thực hiện.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 2/10: Hà Nội kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ