Tin bất động sản ngày 21/6: Đồng Nai đề xuất chuyển đổi 32 ha đất rừng cho tái định cư
Tin bất động sản ngày 20/6: Hà Nội kiểm soát đầu cơ và gia tăng cung cấp bất động sản Tin ngân hàng ngày 19/6: Techcombank cấp khoản tín dụng 800 tỷ cho Eurowindow |
Đồng Nai đề xuất chuyển đổi 32 ha đất rừng cho tái định cư
Mới đây, Hội đồng thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất rừng tỉnh Đồng Nai đã bỏ phiếu thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Dự án hạ tầng tái định cư tại xã Long Phước, huyện Long Thành có quy mô gần 34 ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 4,5 ngàn người thuộc diện phải thu hồi đất phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, có 32,3ha là đất rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Võ Văn Phi đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc, đề nghị chủ dự án xây dựng phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.
Cũng liên quan đến công tác bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai, đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành về việc bố trí tái định cư dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280 ha, được xây dựng để phục vụ tái định cư cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, hiện tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có 7.035 lô đất tái định cư. Trong số này, có 4.864 lô đất tái định cư sẽ được sử dụng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 347 lô đất tái định cư được sử dụng cho dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay.
Do đó, UBND tỉnh xin bố trí 1.824 lô đất tái định cư còn lại tại khu tái định cư này cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ có trách nhiệm hoàn trả kinh phí đầu tư số lô tái định cư nói trên cho ngân sách trung ương theo quy định.
Bắc Giang duyệt quy hoạch thêm khu đô thị dịch vụ, thương mại 36ha
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu đô thị dịch vụ, thương mại tổng hợp tại xã Tân Mỹ, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang và xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Tân Mỹ, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang và xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên. Ranh giới được giới hạn, phía Bắc giáp đường trục Tây Nam, thành phố Bắc Giang (dự án đường Bà Triệu); phía Nam giáp khu dân cư hiện trạng và đất nông nghiệp thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê; phía Đông giáp QL17 (đường Võ Nguyên Giáp); phía Tây giáp đất nông nghiệp thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên.
Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 36,76ha. Quy mô dân số trong khu vực lập quy hoạch khoảng 4.744 người.
Khu vực lập quy hoạch có tính chất là khu đô thị mới bao gồm đầy đủ các chức năng của một nhóm nhà ở kết hợp với các công trình thương mại, dịch vụ hỗn hợp và trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo giải pháp tổ chức không gian, phát triển các chức năng đô thị tập trung, thương mại dịch vụ được bố trí theo tuyến đường chính đô thị kết nối không gian kinh tế - xã hội - kỹ thuật bên ngoài khu đô thị, phát huy lợi thế trục đường Võ Nguyên Giáp và đường trục chính Tây Nam; khu vực ở đô thị bố trí thành các cụm, gần với các không gian mở cây xanh mặt nước để sử dụng tốt nhất cảnh quan, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Khu công viên cây xanh kết hợp vui chơi giải trí và thể dục thể thao là điểm nhấn của khu đô thị, tạo giá trị cảnh quan, tính thẩm mỹ đồng thời cải thiện vi khí hậu của đô thị; tạo hệ thống không gian mở chính kết nối, đồng thời làm rõ không gian các khu chức năng.
Những hạng mục chính cần ưu tiên đầu tư xây dựng bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật như xây dựng các trục giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải...; công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe...; các công trình thương mại.
Bộ Xây dựng phản hồi về việc Vĩnh Phúc kêu khó triển khai dự án bất động sản
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các dự án bất động sản và nhà ở xã hội. Theo UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh tồn tại một số dự án quy mô nhỏ dưới 20 ha đã có quyết định chủ trương đầu tư và ký hợp đồng thực hiện dự án với UBND tỉnh, nhưng chưa được nhà nước giao đất.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án này không được xác định là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thống nhất sớm có văn bản hướng dẫn địa phương để thực hiện.
Bộ Xây dựng cho biết rằng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, Bộ cũng đã dự thảo văn bản gửi các địa phương nhằm hướng dẫn thống nhất các quy định liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và dự án sử dụng đất ở.
Về việc biến động giá nguyên liệu và nhiên liệu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất rằng những biến động này gây khó khăn cho tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, làm giảm hiệu quả đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng thường xuyên rà soát, đánh giá hệ thống quy định pháp luật liên quan và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cho Quốc hội và Chính phủ.
Liên quan đến lĩnh vực nhà ở xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân và mong muốn mua lại cả tòa nhà để làm ký túc xá cho công nhân. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, doanh nghiệp không được mua nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cho biết rằng dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân từ dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Hơn 8.500 hộ dân ở Thanh Hóa được hỗ trợ xây sửa nhà ở
Mới đây, văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của địa phương. Đây là đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh có 67.684 hộ nghèo, tăng 349 hộ so với đợt rà soát vào cuối năm 2021; hộ cận nghèo là 86.912 hộ, tăng 86 hộ. Trong đó, có tới 20.878 hộ không đảm bảo chất lượng về nhà ở; 19.058 hộ có nhà không đảm bảo về diện tích bình quân đầu người. Tình trạng nhà ở không được đảm bảo khiến cuộc sống của người dân không ổn định, đăc biệt là các hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ neo đơn, tàn tật..
UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, với điều kiện nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 6 huyện nghèo hiện nay không đảm bảo để chống chịu khi có bão lớn, thiên tai bất thường, do đó tiềm ẩn nguy hiểm cho tính mạng và tài sản người dân.
Từ thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án sửa chữa, xây mới nhà cho 8.517 hộ gia đình ở 6 huyện nghèo, gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ xây nhà ở mới cho 4.637 hộ; sửa chữa nhà cho 3.880 hộ. Tổng số tiền đầu tư hơn 263 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Trong năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới và sửa nhà cho 40% số hộ; năm 2024 là 30% số hộ; năm 2025 là 30% số hộ còn lại.
Để thực hiện đề án có hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tổ chức thiết kế mẫu nhà (tối thiểu 3 mẫu) và dự toán kinh phí, số lượng vật liệu xây dựng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện án phân bổ nguồn kinh phí cho đơn vị. Ngoài ra, Sở Tài chính sẽ xây dựng và phân bổ nguồn kinh phí, hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí.
Đối với UBND 6 huyện có hộ dân được xây dựng và sửa chữa nhà, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách cho từng hộ, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Đối với cấp xã, địa phương có hộ dân được xây mới và sửa nhà thực hiện việc nghiệm thu, xác nhận khối lượng hoàn thành của công trình.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 21/6: Đồng Nai đề xuất chuyển đổi 32 ha đất rừng cho tái định cư