Tin bất động sản ngày 24/7: Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp đến năm 2030
Tin bất động sản ngày 22/7: Đất dân cư xây dựng mới được chuyển thành đất ở Tin bất động sản ngày 21/7: Doanh thu từ cho thuê đất, xưởng KCN phía Nam tăng cao |
Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp đến năm 2030
Mới đây, UBND tỉnh Long An cho biết, đến năm 2030, tỉnh này sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích gần 12.500 ha.
Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp đến năm 2030/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Long An cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.800 ha, nâng tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 72 cụm với tổng diện tích gần 4.000 ha.
Đặc biệt, Long An sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản phẩm điện tử, hoá chất và sản phẩm hóa chất, năng lượng…
UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung phối hợp với tổ chức, nhà đầu tư để rà soát vấn đề thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp với thủ tục thông thoáng, công khai, minh bạch; đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, hiện nay, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp gần 4.300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,2%; trong đó, có 878 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD và 930 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 133.000 tỷ đồng.
Đối với cụm công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 800 ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động đạt 87,5%.
Lâm Đồng ra quân xử lý công trình không phép, sai phép
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình đang thực hiện thi công xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là xử lý nghiêm đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm (nếu có).
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện các địa phương vẫn để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đặc biệt là việc xây dựng công trình không phép, sai phép. Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức đợt ra quân (từ ngày 22 đến 29/7) kiên quyết giải tỏa, cưỡng chế các công trình không phép, trái phép, vi phạm hành lang lộ giới, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, đậu xe không đúng quy định gây mất trật tự an toàn giao thông…
Đồng thời giao UBND TP Đà Lạt khẩn trương kiểm tra xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để các sai phạm liên quan đến việc đầu tư, xây dựng không phép, trái phép mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng nhiều công trình trên địa bàn TP Đà Lạt xây dựng không phép, sai phép với diện tích lớn. Các sự việc diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục hậu quả triệt để.
Hà Nội: Xử lý các đơn vị dùng nhà đất, tài sản công để kinh doanh, liên kết sai quy định
Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 19/7/2023 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 19/7.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thành sắp xếp lại, xử lý đối với 100% các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Từ đó, tạo nguồn tài chính phục vụ các nhiệm vụ chi quan trọng, thiết yếu của ngân sách nhà nước theo quy định.
Thành phố khẳng định sẽ chấn chỉnh, xử lý những cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tài sản công, nhà đất sai mục đích. Đồng thời, khắc phục tình trạng nhà, đất sử dụng không đúng mục đích, lấn chiếm, chuyển đổi hoặc để hoang hóa.
UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố giải quyết dứt điểm việc kê khai hồ sơ nhà đất; đề xuất, phê duyệt phương án quản lý, sử dụng nhà đất sau khi sắp xếp được phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công.
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố nếu sử dụng nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức sử dụng khác không đúng quy định.
Bình Thuận yêu cầu tháo gỡ vướng mắc cho hai dự án đô thị gần 1.200 tỷ đồng
Dự án khu đô thị Đông Tân Thiện và Tây Tân Thiện có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng được chấp thuận đầu tư nhiều năm nhưng đến nay vẫn đang giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án.
Bình Thuận yêu cầu tháo gỡ vướng mắc cho hai dự án đô thị gần 1.200 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Mới đây, đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực tế các dự án đang triển khai trên địa bàn Thị xã La Gi.
Trong đó, có hai dự án khu đô thị Đông Tân Thiện và Tây Tân Thiện dù đã được chấp thuận đầu tư nhiều năm nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án khu đô thị Đông Tân Thiện được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2018. Dự án có quy mô 45,6ha, tổng vốn đầu tư 336 tỷ đồng. Dự án đô thị mới Tây Tân Thiện được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017 với hơn 48,3ha, tổng vốn đầu tư hơn 828 tỷ đồng.
Đối với hai dự án này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát tháo gỡ khăn vướng mắc trên tinh thần đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Trường hợp vượt thẩm quyền, các sở, ngành liên quan và địa phương báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Theo tìm hiểu, dự án khu đô thị Đông Tân Thiện do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị Ân Phú làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2004, có trụ sở chính tại số 28 Phan Bội Châu, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trong khi đó, dự án Tây Tân Hiệp được giao cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bình Thuận làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2017 và có trụ sở tại số 241 Thống Nhất, KP2, phường Tân Thiện, Thị xã La Gi.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 24/7: Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp đến năm 2030