Tin bất động sản ngày 25/9: Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai ở huyện Hoài Đức
Tin bất động sản tuần qua: TP HCM rà soát toàn diện các dự án nhà ở Tin bất động sản ngày 23/9: Thanh tra quy hoạch, sử dụng đất đai tỉnh Long An |
Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật đất đai ở huyện Hoài Đức
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì làm việc với huyện Hoài Đức về kiến nghị và báo cáo xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn.
Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật đất đai ở huyện Hoài Đức/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo báo cáo của UBND Thành phố, hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức còn 19 dự án có vốn ngoài ngân sách đã giao đất nhưng chậm triển khai. Trong đó có 2 dự án kiến nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, 1 dự án đề xuất thu hồi.
Đối với 15 dự án kiến nghị tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan để thực hiện, trong đó có 1 dự án chậm tiến độ, đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng, 2 dự án đã giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng, đang vướng mắc về chính sách và 5 dự án có vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương làm rõ các dự án chậm triển khai, thực hiện bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật trong xử lý các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Trong đó, đồng tình với kiến nghị của UBND huyện Hoài Đức và các Sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định...
Lạng Sơn sắp xây cụm công nghiệp Hòa Sơn 1 gần 723 tỷ đồng
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn 1 có tổng vốn đầu tư 724,756 tỷ đồng. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Đại Nam - Công ty CP Xây dựng công nghiệp và Phát triển hạ tầng.
Dự án có quy mô diện tích 74,9 ha; địa điểm thực hiện tại xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hòa Sơn 1 theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, đáp ứng các điều kiện về xử lý nước thải, chất thải công nghiệp; kinh doanh, cho thuê hạ tầng kỹ thuật, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tạo quỹ đất hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của quá trình hội nhập kinh tế thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo môi trường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần vào sự phát triển công nghiệp và kinh tế, xã hội của địa phương.
Sơn La chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý đối với tổ chức vi phạm luật đất đai
Ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND nhằm cải thiện công tác quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến việc chậm đưa đất vào sử dụng tại Sơn La.
Trong thời gian gần đây, quản lý đất đai tại tỉnh đã có nhiều tiến bộ, giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả của việc sử dụng đất đai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp các công trình và dự án đã được giao đất hoặc cho thuê đất, nhưng chưa đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, không được rà soát, kiểm tra và xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Điều này đã dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện rà soát và xử lý vi phạm: Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, lập danh sách, và quản lý hồ sơ đối với các tổ chức đã nhận đất đai nhưng không sử dụng đất trong 12 tháng liên tục hoặc chậm đưa đất vào sử dụng trong 24 tháng theo quy định. Các tổ chức thanh tra và kiểm tra các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, và xử lý nghiêm, đúng theo pháp luật các công trình có vi phạm.
Các dự án đã chấm dứt hoạt động hoặc đã hết thời hạn gia hạn sử dụng đất mà vẫn chưa hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng, cần bị thu hồi đất. Đồng thời, cần tham mưu thu hồi đất đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát và tổng hợp các dự án chậm tiến độ, và phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xử lý các tổ chức có vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng và trật tự xây dựng.
Cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, và giám sát tiến độ sử dụng đất của các dự án để phát hiện các dự án chậm tiến độ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần thực hiện các cam kết về tăng cường vai trò và trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chỉ thị cũng đề cập đến việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với UBND các huyện, thành phố để đảm bảo quản lý đất đai hiệu quả và ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép.
Thanh Hóa triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Kế hoạch triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Thanh Hóa triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Mục tiêu của Đề án là hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ trên toàn tỉnh vào năm 2030, trong đó khoảng 6.287 căn sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 và 7.500 căn trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai các dự án đã được chọn lựa và đang triển khai, cũng như triển khai các dự án nhà ở xã hội trong danh mục Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Điều này bao gồm cả các dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp và các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại.
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ thực hiện hoàn thành các dự án nhà ở xã hội khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như các dự án nhà ở công nhân và các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xây dựng, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư dự án. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng, sớm trình UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.
Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc lựa chọn chủ đầu tư và giám sát chất lượng các dự án nhà ở xã hội, đảm bảo cơ cấu sản phẩm và giá thành phù hợp với người thu nhập thấp và công nhân.
Đề án này đặt ra mục tiêu quan trọng để cải thiện điều kiện nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và đảm bảo chất lượng các dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 25/9: Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai ở huyện Hoài Đức