Tin bất động sản ngày 27/7: Chuyển điều tra nghi vấn dàn xếp đấu giá 28 lô đất Phú Yên
Tin bất động sản ngày 26/7: Đồng Nai đấu giá đất công chỉ đạt 12% Tin ngân hàng ngày 26/7: "Big 4" đồng loạt giảm lãi suất huy động |
Chuyển điều tra nghi vấn dàn xếp đấu giá 28 lô đất Phú Yên
Thanh tra Bộ Tư pháp phát hiện có dấu hiệu dàn xếp, thông đồng trong đấu giá 28 lô đất tại thị xã Đông Hòa nên chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên để điều tra.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo thông tin trên Báo chí, Thanh tra Bộ Tư pháp vừa chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên để điều tra về dấu hiệu dàn xếp, thông đồng trong đấu giá 28 lô đất tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo Hợp đồng số 10/2022/HĐĐG-TV ngày 15/4/2022 ký kết giữa Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Đông Hòa và Công ty Đấu giá hợp danh Trí Việt, 90 lô đất có tổng diện tích 12.494m2 tại khu đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật thuộc Khu dân cư số 7, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa được đưa ra đấu giá.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp cho thấy, quá trình tổ chức đấu giá có một số sai phạm.
Trong đó, biên bản đấu giá không ghi đầy đủ nội dung, chi tiết cuộc đấu giá, không thể hiện đầy đủ diễn biến cuộc đấu giá theo quy định tại điều 44 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, mà chỉ ghi chung là công bố số phiếu phát ra, số phiếu thu về, không có số lượng cụ thể. Đây là hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại điểm q khoản 2 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Khi đấu giá, phiếu trả giá ghi không thống nhất giữa số tiền bằng số và bằng chữ. Nhiều hồ sơ tham gia đấu giá của khách hàng đăng ký không đảm bảo điều kiện thành phần hồ sơ theo quy chế, trong đó, có nhiều hồ sơ khách hàng là người trúng đấu giá.
Đặc biệt, kết quả thanh tra còn phát hiện dấu hiệu dàn xếp, thông đồng trong các cuộc đấu giá 28 lô đất ký hiệu C.
Theo thẩm quyền của mình, Thanh tra Bộ Tư pháp đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm nêu trên.
Bình Định chấp thuận dự án khu dân cư mới quy mô gần 1.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất Khu dân cư đường N4A nối dài về phía Đông (Khu B dự án 1), thị xã An Nhơn.
Theo đó, dự án có mục tiêu xây dựng dự án khu dân cư đồng bộ, hiện đại về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ thống đường giao thông, khu tái định cư… hình thành nên khu dân cư đô thị dịch vụ, thương mại, dân cư liên vùng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị phía Đông Quốc lộ 1A và Khu dân cư dọc đường N4A nối dài về phía Đông.
Dự án có quy mô đầu tư nhà ở liên kế, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội (chung cư), khu thương mại - dịch vụ, công trình giáo dục mẫu giáo, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị - xã hội, khu tái định cư phục vụ tái định cư của dự án…
Dự án Khu dân cư đường N4A nối dài về phía Đông (Khu B dự án 1), thị xã An Nhơn có diện tích khoảng 10,55 ha, với tổng chi phí thực hiện khoảng hơn 975 tỷ đồng.
Dự án có tiến độ hoàn thành không quá 5 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm Chủ đầu tư dự án.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thanh Hóa: 6 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc rà soát đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn.
Theo đó, Thanh Hóa hiện có tổng cộng 18 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai trên địa bàn, trong đó có 12 dự án đang tiến hành đúng tiến độ và đã được đưa vào sử dụng một phần hoặc toàn bộ, tuy nhiên, 6 dự án lại gặp vấn đề chậm tiến độ.
Nguyên nhân chậm tiến độ được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định bao gồm việc giải phóng mặt bằng dự án diễn ra chậm, chủ đầu tư không triển khai đầu tư xây dựng đối với phần diện tích đất đã được cấp phép, cũng như việc quản lý việc đầu tư xây dựng không khoa học cho các dự án chưa hoàn tất.
Trong số các dự án chậm tiến độ, đáng chú ý là dự án Khu nhà ở xã hội AMC I tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa. Dự án này đã được chấp thuận đầu tư vào năm 2014 với mục tiêu tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tại thành phố Thanh Hóa có chỗ ở ổn định, đáp ứng cho khoảng 900 hộ dân. Tuy nhiên, dự án đã gặp nhiều khó khăn và chỉ mới hoàn thành một số hạng mục xây dựng sau khi khởi công vào năm 2021.
Cũng tại thành phố Thanh Hóa, dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, do Công ty CP Thương mại - Xây dựng 379 làm chủ đầu tư, cũng đang gặp vấn đề chậm tiến độ và bị Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra năm 2022. Nhiều hộ dân đã vào ở và sinh hoạt trong dự án này mặc dù chưa có quyết định nghiệm thu chính thức.
Các sai phạm của dự án này bao gồm việc thay đổi công năng khu vực tầng 1 không phù hợp với giấy phép xây dựng, không đảm bảo diện tích đỗ xe cho cư dân, và chưa hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng. Bộ Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ và khắc phục các vấn đề tồn đọng để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Đà Nẵng định giá 8 công sản theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Mới đây, Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết, đang thực hiện các thủ tục thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá để xác định giá đất của tám cơ sở nhà đất công sản.
Đà Nẵng định giá 8 công sản theo kết luận của Thanh tra Chính phủ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, tám cơ sở nhà đất này gồm số 26 Bạch Đằng (916,8 m2), 34 Bạch Đằng (1.421,7 m2), 20 Đống Đa (1.756,2 m2), 16 Lý Thường Kiệt (4.105,2 m2) và 140 Lê Lợi (670,4 m2). Năm cơ sở này cùng có thời điểm định giá vào năm 2010.
Nhà đất 17 Lý Thái Tổ (92,6 m2), thời điểm định giá năm 2011. Cuối cùng là hai nhà đất 124 Bạch Đằng (53,6 m2) và 74 Điện Biên Phủ (161 m2), thời điểm định giá vào năm 2012.
Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Sở Tài chính Đà Nẵng mời các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá tham gia báo giá dịch vụ tư vấn xác định giá đất của tám khu đất trên gửi về Sở Tài chính.
Theo kết luận 34 ngày 8/1/2019 của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2010 - 2016, Đà Nẵng đã chuyển đổi 52 cơ sở nhà đất công sản sang mục đích khác. Trong đó, Đà Nẵng bán lại cho bên đang thuê 31 cơ sở, bán đấu giá tám cơ sở, bán trực tiếp tám cơ sở; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi năm cơ sở.
Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND TP Đà Nẵng cho phép bán 52 cơ sở nhà đất công sản khi chưa có phương án sắp xếp, xử lý là không đúng quy định. Trong số này có tám cơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Bên cạnh đó, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi nhà đất công sản sang mục đích khác chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định.
Ngoài ra còn có việc tính thiếu diện tích, xác định sai thời điểm tính thu tiền sử dụng đất… làm thất thu ngân sách nhà nước.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 27/7: Chuyển điều tra nghi vấn dàn xếp đấu giá 28 lô đất Phú Yên