Tin bất động sản ngày 30/3: TP HCM còn 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị
Tin bất động sản ngày 29/3: Giá bán dự án nhà ở xã hội Trung Văn cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội Tin bất động sản ngày 28/3: Bắc Giang đấu giá 113 lô đất, khởi điểm 240 tỉ đồng |
TP HCM còn 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn.
Theo đó, TP HCM hiện có 1.635 chung cư, gồm 744 chung cư xây trước năm 1994 và 891 chung cư xây từ năm 1994 đến nay. Trong đó có 1.059 chung cư phải thành lập ban quản trị, nhưng đến nay mới chỉ có 862 chung cư có ban quản trị.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong số các chung cư chưa có ban quản trị, có 41 chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị và 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị.
Nguyên nhân do các chung cư này là chung cư cũ, thấp tầng, số lượng căn hộ ít nên chỉ hoạt động theo mô hình tự quản. Số khác do chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị lần đầu nhưng không thành công.
Về kinh phí bảo trì, hiện đã có 401 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì và 227 chung cư chưa bàn giao kinh phí, trong đó có 43 chung cư đang tranh chấp kinh phí bảo trì vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không bàn giao cho ban quản trị theo quy định.
Điều đáng nói, còn có chung cư, chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất với nhau về số liệu kinh phí bảo trì hoặc có tranh chấp về quyền sở hữu trong nhà chung cư dẫn đến việc không thống nhất được số liệu kinh phí bảo trì cần phải bàn giao.
Đối với việc quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn còn xảy ra nhiều tranh chấp vì quy định pháp luật chưa quy định việc xác định rõ phần diện tích sử dụng chung, sở hữu chung trong hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án. Mặt khác, việc xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe và một số hành vi vi phạm chưa được quy định (chủ sở hữu không đóng kinh phí bảo trì, không đóng phí quản lý vận hành...).
Năm 2023, Quảng Bình phấn đấu thu 3.240 tỷ đồng tiền sử dụng đất
UBND tỉnh Quảng Bình vừa giao chỉ tiêu phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2023 cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình giao chỉ tiêu cho huyện Minh Hóa với 7 tỷ đồng, huyện Tuyên Hóa 90 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch 330 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn 340 tỷ đồng, huyện Bố Trạch 365 tỷ đồng, thành phố Đồng Hới 1.300 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 476 tỷ đồng, huyện Lệ Thủy 332 tỷ đồng.
Để hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất HĐND tỉnh giao năm 2023 là 3.000 tỷ đồng và đạt chỉ tiêu đăng ký phấn đấu của UBND tỉnh là 3.240 tỷ đồng, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển quỹ đất kịp thời giao chỉ tiêu đến các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm nhiệm vụ phát triển quỹ đất đấu giá.
Đồng thời đưa ra giải pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả; tăng cường công tác quảng bá, tiêu thụ quỹ đất; khẩn trương tổ chức đấu giá đối với dự án đã hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện đưa ra đấu giá trong những tháng đầu, quý đầu năm 2023.
UBND tỉnh Quảng Bình còn yêu cầu Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án, sớm đưa ra đấu giá, kịp thời hoàn trả nợ tạm ứng Quỹ Phát triển đất; đôn đốc dự án xã hội hóa để hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất đã đề ra.
Quỹ Phát triển đất theo dõi diễn biến tình hình thị trường đất nền, số thu tiền sử dụng đất theo từng tháng, từng quý, để tham mưu UBND tỉnh đưa ra biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất trong năm 2023; đảm bảo nguồn vốn, quản lý ứng vốn Quỹ Phát triển đất đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ và đúng quy định.
Long An huy động nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội
Chia sẻ tại Chương trình Đối thoại lần thứ 5 của Thường trực HĐND tỉnh mới đây về chủ đề “Giải pháp phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Mai Văn Nhiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân lao động.
Cùng với đó, đẩy mạnh huy động thêm các nguồn lực ngoài xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội cần đầu tư; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, khởi công một số dự án nhà ở cho công nhân, người lao động ở những vị trí thuận lợi, xung quanh các khu vực sản xuất, khu công nghiệp, bảo đảm đồng bộ với hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực thực hiện dự án, có giá thành phù hợp, để người lao động dễ tiếp cận.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị khẩn trương rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển nhà ở xã hội để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Phối hợp triển khai đầu tư thiết chế công đoàn theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Đề nghị chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động tích cực tham gia thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân ngay tại đơn vị mình kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân có chỗ ở ổn định.
Đồng Nai chấp thuận đầu tư Dự án khu đô thị mới
Vừa qua, ông Võ Tấn Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 479/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu đô thị Hiệp Hòa thuộc Thành phố Biên Hòa.
Theo quyết định, Dự án khu đô thị Hiệp Hòa (hay còn gọi là Cù lao Phố) có diện tích 293 ha.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng thành khu đô thị, đa dạng các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng... Khu đô thị này sẽ hướng đến phát triển du lịch bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP.Biên Hòa được giao chủ trì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc quy hoạch TP Biên Hòa, ngày 17/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.
Điểm đáng chú ý trong Quyết định số 252/QĐ-TTg là việc điều chỉnh quy hoạch TP Biên Hòa chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc "đô thị công nghiệp" sang mô hình cấu trúc "đô thị dịch vụ và công nghiệp"; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững để trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ.
Vào cuối tháng 1/2023, tỉnh Đồng Nai đã khởi công dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa (bao gồm cả cầu Thống Nhất) để kết nối vào kết nối cù lao Hiệp Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Việc xây cầu và làm đường kết nối với cù lao Hiệp Hòa là bước chuẩn bị để xây dựng khu đô thị tại đây.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 30/3: TP HCM còn 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị