Tin bất động sản ngày 3/11: Hà Nội rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ còn 14 ngày
Tin bất động sản ngày 2/11: Lào Cai sắp đấu giá gần 200 thửa đất Tin bất động sản ngày 1/11: Vì sao gần 19 nghìn thửa đất ở Ba Vì chưa được cấp sổ đỏ? |
Hà Nội rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ còn 14 ngày
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, rút ngắn thời gian thực hiện trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 3 ngày); thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ 30 ngày xuống còn 14 ngày...
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đồng thời, Sở cũng rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, rà soát từng thành phần hồ sơ, khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50%.
Sở áp dụng hình thức gửi văn bản và giấy mời theo hệ thống thư điện tử; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện và duy trì sử dụng ổn định hệ thống mạng LAN.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết, Sở tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định rõ trách nhiệm đối với kết quả, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Sở yêu cầu các đơn vị sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý công việc qua hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản, điều hành tập trung của thành phố.
Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại; thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông," tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết công việc liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, thực hiện "Quy chế phối hợp liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn Hà Nội" do UBND thành phố vừa ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính liên thông.
Đồng Nai trình 10 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 19.000 căn hộ
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa có buổi làm việc với Sở Xây dựng và các sở, địa phương báo cáo tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay các địa phương đã trình hồ sơ 10 dự án với quy mô khoảng 19.000 căn.
Trong đó, 5 dự án quy mô 9.000 căn đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định lần 1.
Sở Xây dựng cho biết, cuối năm nay sẽ khởi công một phần dự án Khu nhà ở công nhân tại thị trấn Trảng Bom quy mô 98 căn hộ. Năm 2024, sẽ hoàn thành 2 dự án tại TP. Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch với tổng số 715 căn hộ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ đạo Sở Xây dựng kết hợp với các sở ngành liên quan rà soát, đẩy nhanh thẩm định trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với 5 dự án còn lại quy mô 10.000 căn trong tháng 11/2023.
Với 5 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, các huyện phối hợp Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các hồ sơ trước ngày 15/12 để hoàn thiện thủ tục, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Nghị quyết của Thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này phấn đấu xây dựng khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Bắc Giang duyệt quy hoạch một khu công nghiệp rộng 256ha
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp (KCN) Hòa Yên.
Theo đó, phạm vi ranh giới lập Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hòa Yên thuộc địa giới hành chính xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa và xã Tiên Sơn, Trung Sơn, Hương Mai, huyện Việt Yên.
Ranh giới được xác định phía Bắc giáp thôn Ấp Hồng, xã Đông Lỗ; thôn Xuân Hòa, xã Hương Mai; phía Nam giáp ĐT398 và ruộng canh tác xã Tiên Sơn, Trung Sơn và xã Hương Mai; phía Đông giáp dân cư hiện trạng và ruộng canh tác thôn Đồng Quan; phía Tây giáp ĐT398B và ruộng canh tác của xã Đông Lỗ.
Về tính chất, KCN Hòa Yên là KCN tổng hợp đa ngành, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và lắp ráp; có tính chất kỹ thuật cao, công nghiệp thân thiện với môi trường.
Thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh như: Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp và chế tạo: điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; Công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; Các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ ăn, đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế, công nghiệp thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng; công nghiệp phụ trợ.
Theo giải pháp tổ chức không gian, khu vực nhà máy có diện tích 156,82ha, chiếm 61,1% tổng diện tích KCN. Khu vực công trình dịch vụ có diện tích 5,57ha, chiếm 2,17% tổng diện tích KCN. Khu vực hạ tầng kỹ thuật có diện tích 4,13ha, chiếm 1,61% tổng diện tích KCN. Khu cây xanh, mặt nước có diện tích 34,33ha, chiếm 13,37% tổng diện tích KCN. Hệ thống giao thông và bãi đỗ xe có diện tích 55,83ha, chiếm 21,75% tổng diện tích KCN. Cùng đó, bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật… với tổng diện tích 8,57ha.
Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng bao gồm công trình khu dịch vụ, nhà xưởng sản xuất, trạm xử lý nước thải, nhà máy cấp nước, trạm điện...; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc
TP HCM sắp có quy định tách thửa mới
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM thông tin về tiến độ thực hiện dự thảo quyết định quy định điều kiện tách thửa và hợp thửa trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 quy định diện tích tối thiểu tách thửa (Quyết định 60).
Theo Sở TN&MT, sau khi sơ kết công tác tách thửa trên địa bàn TP HCM theo Quyết định 60 vào tháng 3/2020, đơn vị đã dự thảo quy định và chuyển các sở, ngành và UBND các quận – huyện và TP Thủ Đức có ý kiến góp ý.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, Sở TN&MT TP HCM đã chỉnh sửa nhiều lần vào các năm 2012, 2022 và 2023. Như vậy, theo góp ý của Sở Tư pháp TP HCM, Sở TN&MT chuyển lại dự thảo đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM để cơ quan này cho ý kiến.
Về tiến độ thực hiện, Sở TN&MT cho biết, hiện nay đơn vị đang phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo quy định về điều kiện tách thửa và hợp thửa trước khi trình UBND TP HCM xem xét, quyết định.
Quyết định 60 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP HCM có hiệu lực từ ngày 1/1/2018,. Trong đó, có các quy định về tách thửa đất có hình thành đường giao thông, tách thửa đất nông nghiệp, tách thửa đất phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 (Nghị định 148) có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM nhận thấy quy định tách thửa có hình thành đường giao thông của Quyết định 60 không còn phù hợp với nghị định này.
Do đó, tháng 4/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM có văn bản hướng dẫn nội bộ đề nghị tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp tách thửa đất trong thời gian chờ điều chỉnh Quyết định 60.
Kể từ thời điểm đó đến nay, TP HCM vẫn chưa ban hành quyết định tách thửa thay thế, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 3/11: Hà Nội rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ còn 14 ngày